Nhiệm vụ cấp thiết của các nước giàu trong quá trình chuyển đổi năng lượng

18:24' - 01/12/2023
BNEWS Một số người tham gia COP28 bày tỏ hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận để đảm bảo nguồn vốn cho những thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra.
Ngày 30/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết cung cấp tài trợ khí hậu cho các nước đang phát triển và hỗ trợ quá trình chuyển đổi toàn diện sang năng lượng sạch.

Phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Jokowi nhấn mạnh: “Các cam kết thực sự phải được củng cố, đặc biệt là các cam kết tài trợ khí hậu từ các nước phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Một số người tham gia COP28 bày tỏ hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận để đảm bảo nguồn vốn cho những thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra, trong đó có các đợt nắng nóng kỷ lục cũng như sự gia tăng các trận cháy rừng và lũ lụt trong năm qua.

Tại Hội nghị lần này với sự tham dự của khoảng 140 nhà lãnh đạo và 70.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, Tổng thống Jokowi dự kiến sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác tài trợ khí hậu toàn cầu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và phúc lợi ở các nước đang phát triển.

Tại các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức trong vài năm qua, các nước đang phát triển đã nhất trí tìm kiếm sự đền bù khí hậu từ các quốc gia giàu có hơn vốn đóng góp phần lớn vào lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới.

 
Quỹ “tổn thất và thiệt hại” tạm thời được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu năm ngoái ở Ai Cập nhằm giúp các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ các nước giàu có.

Cho tới nay, Indonesia đã tham gia một số thỏa thuận tài trợ khí hậu, như Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), thỏa thuận được 7 nước giàu công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11/2022 tại Bali.

Theo thỏa thuận trên, 7 nước này sẽ cung cấp 20 tỷ USD dưới hình thức viện trợ, các khoản vay ưu đãi và các khoản vay theo lãi suất thị trường để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Indonesia. Khoảng 130 triệu USD trong tổng số tiền này được cấp dưới dạng viện trợ, trong khi phần còn lại là các khoản vay.

Phát biểu tại Đại học Stanford (Mỹ) hồi đầu tháng 11, ông Jokowi đã đặt câu hỏi về sự chân thành của các quốc gia giàu có hơn trong việc tài trợ các nỗ lực giảm thiểu khí hậu tại các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh: “Tài chính khí hậu cần mang tính xây dựng hơn, chứ không phải dưới dạng các khoản vay vốn sẽ chỉ tạo thêm gánh nặng cho các nước nghèo và đang phát triển”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục