Nhiệm vụ cấp thiết của Tân Tổng Giám đốc WTO

21:56' - 17/02/2021
BNEWS Theo giới quan sát, giữa một cuộc khủng hoảng toàn cầu, bà Okonjo-Iweala sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi bắt đầu nhiệm sở tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 1/3 tới.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, đã chính thức được lựa chọn là lãnh đạo tiếp theo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31/8/2025. Đây là lần đầu tiên tổ chức này có một người lãnh đạo là phụ nữ và gốc Phi.

Theo giới quan sát, giữa một cuộc khủng hoảng toàn cầu, bà Okonjo-Iweala sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi bắt đầu nhiệm sở tại Geneva (Thụy Sỹ) vào ngày 1/3 tới. Dưới đây là một số nhiệm vụ chính và cấp thiết cần phải giải quyết của tân Tổng giám đốc WTO.

Nhiệm vụ đầu tiên là nối lại các hội nghị cấp bộ trưởng của WTO.

Cơ quan phụ trách đưa ra những quyết định cao nhất của WTO họp hai năm một lần, thường là vào cuối năm. Nhiều quốc gia sử dụng những cuộc họp này như một hạn cuối để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.

Sau hội nghị tháng 12/2017 tại Buenos Aires, Argentina, cuộc họp tiếp theo vốn phải diễn ra tại Thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào tháng 6/2020. Hội nghị đã được lùi lại sáu tháng để tránh mùa Đông khắc nghiệt tại nước này. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã buộc hội nghị phải bị hoãn lại vô thời hạn.

Bà Okonjo-Iweala muốn tổ chức hội nghị trước cuối năm nay. Nhưng 164 quốc gia thành viên của WTO sẽ phải đạt được đồng thuận về thời gian và địa điểm tại cuộc họp đại hội đồng WTO vào ngày 1- 2/3.

Một nhiệm vụ khác đang chờ đợi tân Tổng Giám đốc WTO là khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ.

Trong nhiều năm qua, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn. Các cuộc đàm phán về trợ cấp bông và đánh bắt cá đang bị ngưng trệ, trong khi cuộc đàm phán về thương mại điện tử (được khởi động vào tháng 1/2019) đang chật vật để có thể khởi động. Tất cả sự chậm trễ này đều có nguy cơ khiến WTO tiếp tục bị mắc kẹt trong các vấn đề cũ của năm qua.

Ngoài ra, người tiền nhiệm của bà Okonjo-Iweala, ông Roberto Azevedo, cũng chứng kiến tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tăng cao. Washington và Brussels đang thúc giục WTO xem xét lại vị thế của Trung Quốc trong tổ chức này, cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng định danh “nền kinh tế đang phát triển” để tạo ưu thế tăng trưởng.

Nhiệm vụ nặng nề tiếp theo cần bà  Okonjo-Iweala phụ trách là sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Ông Azevedo đã không thể ngăn Mỹ đẩy Cơ quan Phúc thẩm của WTO rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Cơ quan gồm bảy thành viên này có nhiệm vụ duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược các phán quyết của ban hội thẩm. Nhưng nó đã ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2019 vì Washington đã chặn việc bổ nhiệm bất kỳ thẩm phán mới nào.

Bà Okonjo-Iweala hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này trước hội nghị cấp bộ trưởng tiếp theo.

Ngoài những nhiệm vụ trên, tân Tổng Giám đốc WTO cũng cần phải xử lý một vấn đề cấp bách khác: tìm ra cách đối phó với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng do nó gây ra.

Đại dịch COVID-19 đã gây chia rẽ tại WTO, sau khi Ấn Độ và Nam Phi đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và phương pháp điều trị. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của hàng trăm quốc gia, nhưng cũng có nhiều nước không chấp nhận.

Bà Okonjo-Iweala bày tỏ ý muốn giải quyết vấn đề trên một cách nhanh chóng. Nhìn chung, bà hy vọng WTO sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt là bằng hỗ trợ Cơ chế Covax – một chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn.

Dựa trên 25 năm kinh nghiệm trong vai trò là nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch của liên minh vaccine Gavi từ năm 2016, bà Okonjo-Iweala cũng muốn các nước đang phát triển tự sản xuất thêm vaccine để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Một số nhà quan sát đang kỳ vọng rằng với nền tảng hoạt động của mình, bà sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm “chèo lái” WTO vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục