Nhiên liệu hóa thạch vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng nhiều năm tới
Hội nghị thượng đỉnh về tương lai an ninh năng lượng vừa bế mạc tại London (Anh) với việc các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trên khắp thế giới đưa ra thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác để giải quyết thách thức lớn trên toàn cầu, đó là bảo vệ các hệ thống năng lượng hiện nay và trong tương lai.
Diễn ra trong các ngày 24-25/4, hội nghị do Chính phủ Anh và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đồng chủ trì, quy tụ các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trong ngành năng lượng, gồm dầu mỏ, khí đốt, năng lượng tái tạo, điện, hạt nhân, khoáng sản quan trọng và các tổ chức quốc tế cùng thảo luận nhằm xây dựng đồng thuận trong cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh năng lượng và đảm bảo các chính phủ có các công cụ cần thiết để ngăn ngừa và ứng phó với các thách thức trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, nhu cầu năng lượng tăng cao và công nghệ thay đổi nhanh, hội nghị là diễn đàn để đánh giá và định hình lại an ninh năng lượng trong giai đoạn mới. Anh hy vọng thông qua hội nghị thúc đẩy tầm nhìn của nước này về năng lượng tái tạo, giải phóng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giá khí đốt biến động mạnh gây tổn hại cho các ngành công nghiệp và người tiêu dùng.
Tại sự kiện, Thủ tướng Anh Keir Starmer ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu Net Zero (không phát thải) của nước chủ nhà, nhấn mạnh giải quyết khủng hoảng khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng là nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của chính phủ. Ông tuyên bố Anh sẽ làm hết sức vì một tương lai phát thải thấp và đẩy nhanh mục tiêu Net Zero thay vì trì hoãn quá trình này, khẳng định an ninh năng lượng là an ninh quốc gia với năng lượng tái tạo đóng vai trò chủ chốt đối với an ninh và thịnh vượng của đất nước.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh năng lượng đáng tin cậy và giá phải chăng là "mạch sống" của các nền kinh tế, củng cố an ninh quốc gia và duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế và công nghiệp. Bà cho biết năng lượng tái tạo sạch không chỉ củng cố khả năng phục hồi mà còn thúc đẩy việc làm mới và đổi mới kinh tế, nhấn mạnh bài học ở châu Âu chỉ ra rằng khi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch giảm, an ninh năng lượng sẽ tăng.
Theo Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế đầy thách thức, hội nghị cho thấy dù bản chất của an ninh năng lượng đang thay đổi, nhu cầu hợp tác quốc tế vẫn không đổi, nhấn mạnh các đại biểu tham dự đồng tình rằng rằng các giải pháp- dù là kỹ thuật, chính trị hay tài chính- sẽ hiệu quả hơn nếu các quốc gia chung tay giải quyết, hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và bền vững cho tất cả.
Hầu hết các quốc gia tham dự nhất trí nhiên liệu hóa thạch không phải là câu trả lời cho an ninh năng lượng, nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, tìm kiếm các giải pháp thay thế năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Các công nghệ sạch như gió, mặt trời, hạt nhân và lưu trữ pin đang được triển khai nhanh chóng, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ người tiêu dùng khỏi biến động giá.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch phải công bằng và bình đẳng. Nhiên liệu hóa thạch có khả năng vẫn là một phần của hỗn hợp năng lượng trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các giải pháp thay thế vẫn còn hạn chế. Các cuộc thảo luận nhấn mạnh việc quản lý có trách nhiệm các nguồn tài nguyên, gồm tiếp tục đầu tư vào giảm phát thải trên toàn bộ chuỗi cung ứng dầu khí, ngừng hoạt động cơ sở hạ tầng cũ và đào tạo lại lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ cho các khu vực và cộng đồng có nguy cơ bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi sang các ngành công nghiệp và công nghệ mới.
Các đại biểu đề cao tầm quan trọng của việc tiếp cận nguồn cung và khả năng chi trả cho năng lượng đối với an ninh quốc gia và quốc tế. Với gần 700 triệu người trên toàn thế giới vẫn thiếu điện và hơn 2 tỷ người không được tiếp cận với điều kiện nấu ăn sạch, việc giải quyết tình trạng thiếu năng lượng được nhấn mạnh như một thách thức cần giải quyết khi ngay cả các nền kinh tế tiên tiến cũng quan ngại về khả năng chi trả cho năng lượng của các gia đình thu nhập thấp.
Công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là chủ đề nổi bật tại hội nghị. Khi các hệ thống năng lượng trở nên số hóa và kết nối nhiều hơn, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo và phân tích tiên tiến để cải thiện dự báo, hiệu quả và khả năng phục hồi đóng vai trò quan trọng, đồng thời các công nghệ mới nổi có thể đặt ra thách thức về an ninh mạng đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Một trọng tâm khác là vai trò ngày càng tăng của điện, đặc biệt trong giao thông, sưởi ấm và sản xuất công nghiệp. Khi quá trình điện khí hóa nền kinh tế tăng tốc, việc đảm bảo lưới điện càng trở nên quan trọng và thách thức hơn. Các đại biểu đề xuất áp dụng các khuôn khổ chính sách dài hạn dự đoán nhu cầu tương lai của hệ thống, gồm sản xuất điện linh hoạt, giải quyết nhu cầu lưu trữ và kết nối khu vực, đồng thời cảnh báo nếu không mở rộng và hiện đại hóa lưới điện chiến lược, các nỗ lực mở rộng quy mô năng lượng sạch có thể bị hủy hoại.
Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều cú sốc liên quan tới năng lượng, từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine cho đến gián đoạn chuỗi cung ứng, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tấn công mạng. Hoàn cảnh thay đổi thúc đẩy các quốc gia xem xét sự cần thiết phải có các hệ thống năng lượng an toàn, trong đó năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng.
Năm ngoái, lần đầu tiên tỷ trọng dầu mỏ trong cơ cấu năng lượng toàn cầu giảm xuống dưới 30%, so với mức gần 50% vào giữa những năm 1970. Những thay đổi lớn đang diễn ra trên khắp các hệ thống năng lượng, với các công nghệ như năng lượng mặt trời, gió và xe điện phát triển nhanh chóng, cùng với sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân.
Theo số liệu của IEA, hơn 80% mức tăng sản lượng điện toàn cầu năm ngoái là nhờ năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân với khoảng 2.000 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn thế giới. Trong khi đó, thế giới đang bước vào kỷ nguyên điện mới, với việc sử dụng điện tăng gấp đôi so với nhu cầu năng lượng chung trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong những năm tới.
Việc áp dụng các công nghệ sạch tăng mạnh là do chi phí giảm mạnh, giảm tới 90% trong thập kỷ qua đối với năng lượng mặt trời; giảm hơn 75% đối với pin và 60% đối với năng lượng gió. Với hơn 2/3 dân số thế giới, năng lượng tái tạo là nguồn sản xuất điện số lượng lớn rẻ nhất.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức về an ninh năng lượng và mỗi quốc gia sẽ đi con đường riêng, các nước dự hội nghị có sự đồng thuận cao về ưu tiên đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn và đáng tin cậy. Điều này phản ánh năng lượng carbon thấp là con đường tất yếu đối với an ninh năng lượng, cũng chính là an ninh quốc gia, đồng thời là giải pháp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Tin liên quan
-
Tài chính & Ngân hàng
Thuế nhiên liệu hóa thạch có thể thu về 900 tỷ USD cho quỹ khí hậu
09:48' - 07/05/2024
Việc đánh thuế các công ty nhiên liệu hóa thạch lớn có thể tạo ra tới 900 tỷ USD cho quỹ khí hậu vào cuối thập niên này.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
SỰ KIỆN KINH TẾ THẾ GIỚI NỔI BẬT TUẦN QUA
08:23'
Loạt sự kiện thế giới nổi bật đầu tháng 7/2025 cho thấy nhiều chuyển biến đáng chú ý trên các mặt kinh tế, môi trường và chính sách toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Châu Á - ASEAN: Mảnh ghép chiến lược trong định hướng hợp tác mới của Mercosur
12:27' - 05/07/2025
ASEAN, với vị thế là một trong những trung tâm sản xuất, tiêu thụ và đổi mới công nghệ của thế giới, đang nổi lên như một đối tác tiềm năng trong chiến lược mở rộng hợp tác của Mercosur.
-
Kinh tế Thế giới
Nhiều quốc gia dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thịt gà Brazil
09:30' - 05/07/2025
Brazil thông báo 7 quốc gia đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu thịt gà từ Brazil.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
07:48' - 05/07/2025
Dự cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện trị giá 4.500 tỷ USD là gói chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai mang tính biểu tượng của Tổng thống Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan chưa đạt được thỏa thuận về thuế quan với Mỹ
07:38' - 05/07/2025
Thái Lan vẫn chưa hoàn tất đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng, song đã có được “những hiểu biết giá trị” để định hướng việc soạn thảo một đề xuất sửa đổi.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ đề xuất áp thuế đối ứng đối với thuế ô tô của Mỹ tại WTO
07:34' - 05/07/2025
Ấn Độ đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất áp thuế đối ứng đối với các thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với ô tô và một số linh kiện ô tô.
-
Kinh tế Thế giới
Hàng không châu Âu rối loạn do hoạt động đình công
16:47' - 04/07/2025
Các cuộc đình công tại châu Âu đang gây rối loạn hoạt động hàng không tại khu vực này khiến nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc hủy vào đúng mùa cao điểm du lịch.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Trung Quốc khẳng định giải pháp đối thoại và hợp tác
16:46' - 04/07/2025
Ngày 4/7, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định đối thoại và hợp tác là con đường đúng đắn trong thảo luận thuế quan với Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhắm vào hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran
10:27' - 04/07/2025
Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một mạng lưới bị cáo buộc liên quan đến hoạt động mua bán dầu của Iran.