Nhiên liệu hydro - cơ hội mới dành cho khu vực Mỹ Latinh

05:30' - 13/12/2020
BNEWS Điều thú vị là các quốc gia Mỹ Latinh đang sở hữu cơ hội “ngàn vàng” để dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất nhiên liệu amoniac.

Tại hội nghị về ngành khai thác mỏ toàn cầu do tạp chí Financial Times tổ chức gần đây, Giám đốc điều hành Tập đoàn khai thác mỏ Glencore của Thụy Sỹ Ivan Glasenberg thông báo tập đoàn này sẽ đóng cửa mỏ than lộ thiên lớn nhất thế giới El Cerrejón ở Colombia vào năm 2031. 

Theo nhật báo El Tiempo của Colombia, điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các mỏ than khác tại Mỹ Latinh. Khi đó, các nước trong khu vực như Brazil và Colombia sẽ mất đi hàng chục nghìn việc làm và hàng tỷ USD doanh thu từ việc nhượng quyền khai thác cũng như từ thuế xuất khẩu than và quặng sắt.       

Như vậy, khu vực Mỹ Latinh, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu nhiên liệu thô, đang chuẩn bị đối mặt với thực tế này như thế nào? Sau kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là dầu mỏ và than đá, đâu sẽ là phương thức tiếp cận kinh tế mới cho khu vực? Những động lực hỗ trợ sự phát triển ở Mỹ Latinh trong tương lai là gì?        

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty khai thác khoáng sản đa quốc gia công bố mức giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong tương lai gần, lên tới 30% như trong trường hợp của Glencore.

Trên phạm vi toàn cầu, các tập đoàn khai khoáng đang tìm cách cắt giảm sản lượng than đá để đầu tư vào các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong ngành sản xuất xe điện, như lithium, đồng, coban và niken.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào cuối tháng 10/2020 đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này về mức 0% vào năm 2050.

Để đạt được điều này, Chính phủ của ông Suga đã tuyên bố thành lập một hội đồng với nhiệm vụ đưa ra các sáng kiến nhằm biến Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ phát triển năng lượng từ amoniac, một loại nhiên liệu không thải ra carbon dioxide khi đốt cháy. 

Amoniac là một nguồn năng lượng hiệu quả, cùng với nhiên liệu hydro và các loại năng lượng tái tạo khác.Thực tế amoniac là một loại nhiên liệu sạch và có thể sinh ra lượng nhiệt năng cao hơn nhiên liệu hydro và cao gần gấp rưỡi xăng, tính trên cùng một đơn vị thể tích.

Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển công nghệ sản xuất và chịu trách nhiệm thúc đẩy chuỗi cung ứng amoniac trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, hãng vận tải biển lớn nhất Nhật Bản NYK hiện đang phát triển các loại tàu chuyên chở amoniac với khả năng sử dụng chính loại nhiên liệu này làm năng lượng vận hành.

Hai sự kiện trên, một từ London và một từ Tokyo, dường như không liên quan đến nhau, nhưng có thể sẽ là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai của Mỹ Latinh và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của khu vực này.

Điều thú vị là các quốc gia Mỹ Latinh đang sở hữu cơ hội “ngàn vàng” để dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất nhiên liệu amoniac.

Đầu vào cơ bản cho việc sản xuất amoniac là công nghệ điều chế nhiên liệu hydro. Theo truyền thống, hydro được sản xuất từ các công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, được gọi là hydro “xám” - không phải là nhiên liệu sạch và do đó không giúp giải quyết được vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.     

Một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nguồn dầu khí phong phú, đang tập trung phát triển nhiên liệu hydro “xanh”, có tác dụng thu giữ khí thải CO2. Vấn đề ở chỗ các công nghệ điều chế hydro “xanh” hiện có rất đắt tiền và đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

Tuy nhiên, đây lại là điều mà các quốc gia Mỹ Latinh chắc chắn có lợi thế, thông qua việc sản xuất hydro “xanh” bằng công nghệ sử dụng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, những nguồn tài nguyên dồi dào mà khu vực này đang sở hữu.       

Việc sản xuất amoniac thoạt nghe có vẻ xa vời, nhưng không phải vậy. Chile đã lên kế hoạch sử dụng năng lượng Mặt Trời từ sa mạc Atacama để sản xuất hydro, điều chế thành amoniac và gửi đến Nhật Bản.

Colombia cũng có thể làm điều tương tự. Nhờ nguồn năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời dồi dào trên bán đảo La Guajira, Colombia có thể sản xuất hydro với chi phí thấp hơn nhiều so với Chile.

Nhưng Mỹ Latinh không đơn độc trong cuộc đua năng lượng hydro. Australia cũng có tham vọng dẫn đầu thế giới trong việc phát triển “nền kinh tế amoniac”.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính và Dịch vụ công Colombia Mauricio Cárdenas, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) và Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh (CAF) nên suy nghĩ nghiêm túc về việc hỗ trợ các quốc gia trong khu vực nghiên cứu toàn diện về vấn đề phát triển nhiên liệu hydro “xanh”.

Đây là một chủ đề thú vị cần được khám phá một cách kỹ lưỡng. Bộ Năng lượng Chile đã triệu tập một ủy ban quốc gia để tìm hiểu vấn đề liên quan đến phát triển amoniac. Các quốc gia khác trong khu vực cũng nên làm như vậy.  

Ông Cárdenas nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đổi mới công nghệ và tăng cường đầu tư nhằm biến năng lượng tái tạo - lợi thế lớn nhất của khu vực Mỹ Latinh trong tương lai gần - thành các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.   

Cựu Bộ trưởng Colombia cho rằng sự bùng nổ của ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ Latinh từ nhiều thập kỷ trước là một sản phẩm của các sáng kiến công tư. Do đó, mô hình phát triển nhiên liệu sạch tại khu vực này sẽ cần đến một vai trò tích cực từ phía chính phủ các nước./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục