Nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam từ nhu cầu thị trường thế giới​

19:45' - 07/03/2018
BNEWS Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Phát triển thị trường toàn cầu cho sản phẩm từ gỗ” do Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) và Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 7/3.

*Nhu cầu thị trường gia tăng

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA nhận định, dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn.

Bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường tiêu thụ nội địa nhờ phát triển thị trường bất động sản, dự báo trong năm 2018 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ cũng sẽ tăng thêm 4%.

Ông Helmut Merkel ,Tổng biên tập tạp chí MOBELMARKT (Đức) chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại Đức đang gia tăng và tập trung vào các sản phẩm có thiết kế, màu sắc gẫn gũi với thiên nhiên. Các sản phẩm nội thất được khách hàng ưa chuộng là thiết kế có nhiều chức năng tích hợp và giá cả phải chăng.

Ngoài ra, nhu cầu về sản phẩm gỗ cho nhà bếp cũng rất lớn, chiếm tới 28% tổng nhu cầu về đồ gỗ tại thị trường Đức. Tuy nhiên hiện nay, chưa có nhiều người tiêu dùng Đức có thông tin và biết về sản phẩm nội thất từ Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam mới tiếp cận thị trường này qua các nhóm mua, những nhà phân phối mà chưa tìm được khách hàng đích cuối cùng.

Bà Juliane Lemcke, chuyên gia ngành Gỗ của Chương trình hỗ trợ xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) cho biết, ngành gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường với những tín hiệu tốt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU.

Trong đó, thị trường Mỹ đang có nhu cầu cao về giấy, đồ gỗ nội thất và gỗ kỹ thuật dùng trong xây dựng. Tương tự, tại khu vực EU nhu cầu về gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng có xu hướng gia tăng một cách ổn định nhờ sự phục hồi của kinh tế, kéo theo nhu cầu trang trí lại không gian sống của người dân.

Theo bà Juliane Lemcke, do sức ép về yêu cầu bảo vệ môi trường và nguồn cung nguyên liệu gỗ nên thị trường EU có xu hướng gia tăng sử dụng các sản phẩm từ gỗ kỹ thuật. Đây là loại vật liệu còn khá mới ở Việt Nam nhưng đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới nhờ giá thành rẻ, khả năng ứng dụng cao và giảm thiểu được sự phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ tự nhiên.

*Nắm bắt cơ hội

Dư địa và tiềm năng phát triển ngành gỗ thế giới là rất lớn, tuy nhiên để mở rộng thị phần và nâng cao giá trị xuất khẩu các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cần kịp thời nắm bắt xu hướng và tận dụng tốt các cơ hội mà thị trường mang lại.

Ông Bjorn Henseler, chuyên gia của tập đoàn Schuler cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về chế biến gỗ nguyên khối, tuy nhiên hiện nay nhu cầu của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đang thiên về gỗ công nghiệp, gỗ kỹ thuật.

Ngay cả thị trường nội địa Việt Nam với sự phát triển của các tòa nhà cao tầng thì nhu cầu nội thất từ gỗ công nghiệp cũng chiếm ưu thế.

Theo ông Bjorn Henseler, bên cạnh việc phát huy thế mạnh về chế biến gỗ truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường để có chiến lược phát triển phù hợp.

Thêm vào đó, nền tảng để các doanh nghiệp ngành gỗ phát triển lâu dài và bền vững là không ngừng sáng tạo, đưa ra các sản phẩm có thiết kế, tính năng mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm phổ thông với số lượng lớn sang sản xuất theo đơn đặt hàng và gặt hái được thành công về mặt doanh thu cũng như lợi nhuận.

Cùng với vấn đề chất liệu, bà Juliane Lemcke cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến yêu cầu về tính năng sản phẩm và phương thức thương mại của các thị trường.

Về tính năng, phần lớn khách hàng hiện nay yêu thích sản phẩm có thiết kế tích hợp nhiều tính năng nhưng tiết kiệm không gian sắp đặt.

Trong khi đó, xu hướng chung của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ở Mỹ, EU hiện nay là sử dụng thương mại điện tử. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào giao dịch cũng như quảng bá sản phẩm qua các phương tiện truyền thông hiện đại để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý.

Đồng thời, phải đầu tư xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín thông qua chất lượng sản phẩm và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ để nắm bắt tốt nhất cơ hội phát triển từ sự gia tăng tiêu dùng sản phẩm gỗ trên thế giới./.

Xem thêm:

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục