Nhiều cửa hàng bán lẻ ở Anh có thể sẽ không "thức dậy sau đợt ngủ Đông"

05:30' - 01/06/2020
BNEWS Các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu được mở cửa bán hàng trở lại trên các phố trung tâm của Anh từ ngày 15/6, song nhiều ý kiến cho rằng một số cửa hàng sẽ không thể nào "thức dậy sau đợt ngủ Đông".
Siêu thị Tesco ở London trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Những nhà bán lẻ không than phiền nhiều như các hãng hàng không hay các nhà máy sản xuất về những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra mặc dù trừ những nhà bán lẻ thực phẩm hay bán xe đạp không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các nhà bán lẻ mặt hàng không thiết yếu đều bị ảnh hưởng nặng nề không những trong mà cả sau thời kỳ áp dụng lệnh phong tỏa trên cả nước.

Trước đó, các nhà bán lẻ các mặt hàng không thiết yếu còn chịu thiệt hại nghiêm trọng do những trận bão và lụt lội diễn ra hồi tháng 2/2020.

Những lô hàng chuẩn bị bán cho dịp Xuân-Hè đã phải nằm trong kho trước khi có lệnh phong tỏa thậm chí một số vẫn còn nằm chờ tại các cảng. Dự báo sức mua hàng hóa cho dịp Giáng Sinh năm nay sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nhiều năm trước, hoạt động thuê địa điểm bán hàng tại Anh "nở rộ", một số nhà bán lẻ vẫn ở trong cảnh nợ nần do mở rộng tràn lan các cửa hàng. Các nhà bán lẻ liên tục bị sức ép tăng giá thuê mặt bằng, mức lương tối thiểu tăng và cạnh tranh lớn giữa các cửa hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, khi bán hàng trực tuyến xuất hiện, mô hình này đã lấy đi rất nhiều khách hàng của các cửa hàng bán lẻ trên phố. Những nhà bán lẻ đa quốc gia như Amazon không chỉ làm giá cho thuê bất động sản giảm mà còn giúp các doanh nghiệp hưởng mức đóng thuế thấp.

Đại dịch đã khiến dòng tiền trở nên khó khăn, các nhà bán lẻ phải đóng cửa hàng khiến doanh thu sụt giảm, trong khi một số chi phí vẫn phải tiếp tục trả. Chính phủ Anh đã hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động tạm nghỉ việc do COVID-19, và chương trình giảm thuế doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế là lệnh phong tỏa đã tạo ra cú huých cho hoạt động kinh doanh trực tuyến, thúc đẩy thói quen mua bán hàng trên mạng của nhiều khách hàng truyền thống của các cửa hàng bán lẻ trên phố. Tốc độ phát triển mua bán hàng trực tuyến trong những tuần qua tại Anh đã đẩy nhanh tiến trình thương mại điện tử sớm hơn dự kiến khá nhiều.

Có thể nói, COVID-19 đã thúc đẩy và làm sâu sắc hơn những dịch chuyển trong thói quen mua sắm và "cuộc chiến sinh tồn" tại các cửa hàng trên phố lớn. Chỉ những nhà bán hàng có bảng cân đối tài chính lành mạnh và có chiêu thức bán hàng tốt mới có thể chiến thắng được trong cuộc đua khốc liệt hiện nay.

Thực tế cho thấy lệnh phong tỏa đã khiến một loạt cửa hàng bán lẻ trên phố của các thương hiệu như Oasis, Warehouse, và Cath Kidston thiệt hại nghiêm trọng. Chuỗi cửa hàng bách hóa tổng hợp Debenhams đang trong tiến trình sắp xếp chuẩn bị phá sản, và nhiều thương hiệu bán lẻ khác sẽ cùng chung số phận.

Các chuỗi cửa hàng sẽ phải đánh giá lại xem thị trường bán lẻ thực sự cần giữ lại bao nhiêu cửa hàng trên phố. Các chuyên gia bán lẻ tại KPMG trước đây từng đưa ra dự đoán số lượng các cửa hàng bán lẻ trên phố sẽ giảm tới 25% vào năm 2025, nhưng thực tế hiện nay cho thấy con số này sẽ đến vào năm 2022-2023, tức là sớm hơn dự đoán ban đầu là 2 năm. Bán lẻ trực tuyến, được cho là sẽ chiếm tới 50% tổng hàng bán lẻ của Anh vào năm 2025, 5 năm sớm hơn dự đoán trước đây.

Những quán cafe hay quán rượu cũng đang vật lộn để sinh tồn, những khoảng trống để lại trên các con phố lớn sẽ mang lại hậu quả mang tính xã hội và chính trị.

Mặc dù vẫn dùng điện thoại thông minh để mua hàng trực tuyến, nhưng khi được hỏi thăm dò ý kiến thì nhiều người Anh vẫn bày tỏ mong muốn duy trì các trung tâm mua sắm trên các khu phố.

Để giúp duy trì trung tâm mua sắm truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng cần có mức đánh thuế thỏa đáng với kinh doanh bán hàng trực tuyến, và mối quan hệ giữa người cho thuê mặt bằng với nhà bán lẻ cần có những cải tiến mạnh mẽ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục