Nhiều đề xuất góp ý cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

16:01' - 20/09/2024
BNEWS Đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

Ngày 20/9, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. 

Qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất với một số mặt hàng chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…

Điều đáng chú ý trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tài chính nêu rõ việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, trong dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Đại diện cho phía doanh nghiệp chịu tác động của quy định áp thuế, ông Lương Xuân Dũng, Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão YAGI vừa qua.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh trên cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm: Nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách…

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp cho rằng, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chỉ mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác. Do đó công cụ thuế trong trường hợp này khó thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự kiến, ngày 23/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục