Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh

07:58' - 14/07/2024
BNEWS Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi quy định lộ trình tăng thuế suất góp phần định hướng sản xuất, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được hoàn thiện và lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp theo đúng định hướng cải cách chính sách để xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô nhằm điều tiết tiêu dùng của xã hội và thực hiện cam kết quốc tế.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi quy định lộ trình tăng thuế suất góp phần định hướng sản xuất, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng xã hội.

 

Theo các chuyên gia ngành tài chính, sửa đổi Luật này là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội; chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là bổ sung đối tượng chịu thuế, nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường; chưa có quy định hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường...

Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là nhằm đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.

Theo bà Chu Thị Vân Anh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khiến mục tiêu chính sách không đạt được và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.

Do đó, hiệp hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với riêng nước giải khát có đường vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng trong khi gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế, bà Vân Anh cho biết,

TS. Nguyễn Quốc Việt, đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho hay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, đại diện Hội Khoa học Kỹ thuật và An toàn thực phẩm, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết tình trạng sức khỏe; trong đó có các bệnh như thừa cân béo phì hay các bệnh không lây nhiễm.

Để thích ứng với tình trạng bệnh tật trước nhất vẫn là việc giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường, tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ, sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm, chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thể chất...

Đối với người tiêu dùng, ông Trần Công Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Vibest cho hay, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm ngành hàng như rượu, bia, nước giải khát là việc nên làm, để hướng tới 1 cộng đồng nhiều sức khỏe, sống lâu, sống thọ. Xã hội ngày càng văn minh hơn, việc hạn chế tiêu thụ các sản phẩm không có nhiều lợi ích cho sức khỏe là điều cần thiết và cần sự ủng hộ từ cộng đồng xã hội đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục