Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

18:04' - 08/08/2024
BNEWS Ngày 8/8 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Sự kiện thu hút mối quan tâm và tham dự của đông đảo doanh nghiệp, báo giới và các nhà làm luật. Đây là cuộc làm việc để kịp thời ghi nhận và phản ánh ý kiến từ góc độ của ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

 

Việt Nam hiện có 11 mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm: thuốc lá điếu và xì-gà, rượu các loại, bia các loại, ôtô dưới 24 chỗ ngồi, xăng và chế phẩm tạo xăng, điều hòa nhiệt độ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, vàng mã, hàng mã, xe gắn máy trên 125 cm3, tàu bay và du thuyền. 

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 đã từng được 4 lần sửa đổi bổ sung nhằm điều tiết tiêu dùng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, điều tiết thu nhập của xã hội và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia.

Theo đó, phương án 1 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025; phương án 2 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này. Sau đó trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

Đến năm 2030, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100% (cao hơn hiện hành 25-35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60-70% (cao hơn hiện hành (25-35%).

Đồng tình với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng, Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, năm 2023, số vụ xử lý vi phạm liên quan đến rượu, bia là 102 vụ; trong đó, số tiền xử phạt là hơn 1,4 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng năm 2024, mặt hàng rượu bị xử lý 153 vụ với số tiền xử phạt khoảng 1,5 tỉ đồng; mặt hàng bia bị xử lý 38 vụ, số tiền xử phạt 587 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng rượu bia nhập lậu, giả, trái phép tăng cao là do sự chênh lệch lớn chi phí giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp như thuế cao, chi phí tuân thủ.... Cùng đó, do thu nhập thấp, nhận thức ở người dân kém, thông tin không rõ ràng nên dễ bị hấp dẫn do quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại xách tay…đã tạo ra lực cầu đối với rượu bia nhập lậu.

Ngoài ra, còn do hạn chế về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, quảng cáo, tiếp thị, thuế cao, nhiều chi phí tuân thủ các quy định quản lý liên quan và việc thực thi pháp luật còn chưa hiệu quả: lực lượng kiểm tra giám sát còn mỏng, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chưa tương xứng, chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến chất lượng rượu, bia....

Do đó, ông Nguyễn Đức Lê kiến nghị bổ sung biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, thiết bị chuyên dùng giám định cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Các lực lượng chức năng như Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc trao đổi thông tin và kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu; trong đó, có sản phẩm rượu, bia.

Trước dự thảo này, đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), Chủ tịch Nguyễn Văn Việt cho biết, trước những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Việt cho rằng, cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, đại diện Nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR 2024) cho hay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch và lộ trình phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.

Riêng đối với mặt hàng rượu bia, ông Nguyễn Quốc Việt đề xuất, trong điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục