Nhiều dự báo bi quan về tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2025

13:50' - 22/02/2025
BNEWS Sự bi quan về tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc đang gia tăng trong bối cảnh bất ổn chính trị và các yếu tố rủi ro bên ngoài ngày càng rõ rệt.

Đã xuất hiện dự báo tốc độ tăng trưởng thấp ở mức 1% và giới chuyên môn bắt đầu lo ngại rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang trong tình trạng khủng hoảng ngày càng sâu sắc khi chính giới vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung với các nút thắt như ngân sách bổ sung để kích thích nền kinh tế và nới lỏng những quy định về chất bán dẫn để tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu.

 

Ngày 21/2, Capital Economics (CE), một viện nghiên cứu tư nhân có trụ sở chính tại Anh, đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc từ 1,1% xuống còn 1,0%. CE viện dẫn cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản là những yếu tố chính kéo giảm tăng trưởng của Hàn Quốc.

Con số mà CE đưa ra lần này thấp hơn mức dự báo trung bình (1,6%) của 8 ngân hàng đầu tư lớn, trong đó có Goldman Sachs và JP Morgan, và cũng thấp hơn mức dự báo 1,2% mà JP Morgan đưa ra. Theo đó, sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) trong báo cáo ngày 25/2 tới có điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng so với mức 1,6-1,7% đã đưa ra trước đó hay không.

Giới chuyên môn cho biết những chỉ báo về suy giảm của kinh tế Hàn Quốc cũng đã xuất hiện. Chỉ số tâm lý kinh doanh toàn ngành (CBSI) của BoK trong tháng 2/2025 được công bố vào ngày 21/2 là 85,3 điểm, mức thấp nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 9/2020. Lượng xuất khẩu bình quân hằng ngày trong 20 ngày đầu tháng Hai cũng giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Giáo sư kinh tế tại Đại học nữ sinh Ewha, Seok Byeong-hun, cho biết các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã dự đoán nếu Mỹ áp dụng mức thuế quan phổ cập 10%, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ giảm 1% và vì thế không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện dự báo tăng trưởng 1% từ những tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Hàn Quốc tiếp diễn liên quan đến tiến trình luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol, giới doanh nghiệp lo ngại rằng Hàn Quốc chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng. Những nghi ngờ đang được đặt ra rằng liệu nền kinh tế Hàn Quốc có thể lập lại đà tăng trưởng như trước đây do những biến số như bất ổn chính trị và "bom" thuế quan của Mỹ.

Cho dù nền tảng cơ bản của các công ty Hàn Quốc vẫn được đánh giá ổn định, chỉ số xếp hạng tín dụng của quốc gia này vẫn vững chắc, nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan ngại về động lực tăng trưởng.

Xuất khẩu, vốn được coi là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Mặc dù "quả bom" thuế quan từ Mỹ vẫn chưa gây tác động, nhưng lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày trong tháng 1 đã giảm gần 3% so với một năm trước.

Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Hàn Quốc công bố ngày 21/1 cho biết kim ngạch xuất khẩu trong 20 ngày đầu tháng 2 đạt 35,3 tỷ USD, tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2024. Tháng 1/2025, do số ngày hoạt động giảm mạnh vì có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã làm gián đoạn chuỗi tăng trưởng xuất khẩu liên tiếp 15 tháng của Hàn Quốc.

Giới phân tích nhận định khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ dương trở lại trong tháng 2 nhưng tình trạng xuất khẩu giảm có thể trở nên nghiêm trọng trong tháng 3 do Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với các sản phẩm thép của Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 12/3. Ngoài ra, khả năng thuế quan đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm sẽ được áp dụng trong vòng một tháng tới.

Thống kê cho biết năm 2024, chất bán dẫn chiếm 20,8% và ô tô chiếm 10,4% đứng thứ nhất và thứ hai về tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Nếu bị tăng thuế, hoạt động xuất khẩu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Viện nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc (IBK) ước tính nếu Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Seoul sẽ giảm khoảng 18,6% tương đương 9.200 tỷ won (khoảng 6,4 tỷ USD).

Các chuyên gia chỉ ra rằng cần phải huy động mọi biện pháp có thể, bao gồm cả ngân sách bổ sung và cắt giảm lãi suất cơ bản của BoK nhằm kích thích tăng trưởng của nền kinh tế.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, Kim Jeong-sik, lập luận rằng giải pháp tốt nhất cho Hàn Quốc là sử dụng đồng thời các biện pháp như bổ sung ngân sách kích thích nền kinh tế và cắt giảm lãi suất để tạo động lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn chính trị như hiện nay, việc thống nhất về ngân sách bổ sung sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn.

Ở thời điểm hiện tại, dư luận chung đang chờ đợi quyết định hạ lãi suất cơ bản ngay trong tháng này để ngăn các công ty xây dựng phá sản và giảm bớt khó khăn cho những chủ doanh nghiệp nhỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục