Nhiều giải pháp cấp bách bảo vệ kết cấu giao thông đường thủy, đường sắt

18:37' - 25/03/2016
BNEWS Trên cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật gây cản trở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Tàu thủy HP3016 mắt kẹt dưới gầm cầu An Thái. Ảnh:TTXVN

Tại cuộc họp chiều 25/3, do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ, nhiều giải pháp đã được đưa ra để bảo vệ các cầu đường bộ, đường sắt và nâng cao công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa sau một loại các sự cố va đâm cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu An Thái (Hải Dương) vừa qua.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam , hiện trên cả nước có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật. Tình trạng này ngoài yếu tố lịch sử còn do sự thay đổi điều chỉnh quy hoạch ngành đường thủy nội địa qua các thời kỳ; do sự thiếu vốn đầu tư xây dựng. Đặc biệt là do điều kiện tư nhiên, đặc thù kênh mỗi vùng miền đất nước.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đánh giá, hiện nay các phương tiện vận tải ngày một tăng lên cả kích thước, chủng loại và số lượng, kích thước trọng tải chủ yếu từ 400 -2.000 tấn. Do vậy, các cầu này đã gây cản trở, khó khăn cho vận tải thủy nội địa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho biết, hiện trạng trên hệ thống Quốc lộ có một số cầu yếu đã được xây mới nhưng cầu cũ chưa được phá, khoảng cách cầu mới và cũ rất ngắn, trụ lệch nhau nên không thể để lâu và cần phải phá cầu cũ ngay để tạo thông thoáng cho tàu thủy lưu thông.

Còn theo ý kiến của ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt hiện có 1.920 cầu; trong đó, có 1.000 cầu đã được nâng cấp sửa chữa, 920 cầu chưa được nâng cấp. Ngành đường sắt đã rà soát toàn bộ mạng lưới; trong đó, có 180 cầu cần được ưu tiên nâng cấp sửa chữa nhưng do thiếu nguồn vốn nên chưa được triển khai. Trước mắt, để bảo vệ kết cấu đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép xây dựng cột chống va, đâm và mở rộng tĩnh không thông thuyền cho một số cầu yếu cấp bách hiện nay.

Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh nhìn từ trên cao. Ảnh:TTXVN

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) Hoàng Hà cho hay, duy trì, bảo trì cầu yếu là công việc thường xuyên, trên thế giới nước nào cũng có cầu yếu và không nước nào có đủ kinh phí để thay thế, xây mới tất cẩ các cầu yếu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải đánh giá cầu yếu một cách cụ thể. Nếu yếu về công năng so với thiết kế ban đầu sau một thời gian khai thác thì sửa chữa, hạn chế tải trọng xe lưu thông. Về nguy cơ đâm va tàu thủy dưới cầu, người quản lý cầu đường bộ, đường sắt phải biết để phối hợp với đường thủy và đề ra phương án đối phó khi có sự cố xảy ra.

Đại diện Viện Khoa học và Công giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định: cầu yếu là yếu phương tiện chống va, do đó cần xây dựng trụ chống va theo hướng đây chỉ là vật hy sinh nếu có sự cố xảy ra, chứ nếu xây dựng cột chống va theo hướng vĩnh cửu thì chi phí rất đắt. Do đó, cần nghiên cứu để làm sao có giá thành hợp lý nhưng vẫn bảo vệ được cầu.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt do tàu va trôi thời gian tới hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Hiện cả nước có 4 cảng vụ, Cục Đường thủy nội địa chỉ quản lý sông Trung ương, sông địa phương giao cho địa phương quản lý. Vì vậy, cần yêu cầu các địa phương chấn chỉnh lại hoạt động quản lý; Cục Đường thủy nội địa cần phối hợp với địa phương yêu cầu chủ tàu chấp hành Luật Giao thông đương thủy. Sông cấp nào thì tàu cấp đó đáp ứng tải trọng và khổ thông thuyền. Nếu vi phạm thu hồi giấy phép và thu hồi vĩnh viễn giấy phép điều khiển phương tiện. Cùng với đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp và chủ tàu nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đường thủy.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Cục Đường sắt, Cục Đường thủy nội địa thống kê lại tất cả các cầu có nguy cơ tàu va, đâm, dẫn đến gẫy sập cầu. Trước 30/4/2016, phải báo cáo thống kê về Bộ Giao thông Vận tải để trên cơ đó sẽ phân loại từng cầu, cầu nào cần cấp bách có thể sử dụng nguồn vốn sửa chữa bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên để làm ngay. Đối với các cầu còn lại sẽ sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản để làm trong thời gian tới.

“Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa cần kiểm tra tất cả các cầu có nguy cơ va, đâm nếu thấy cần thiết thì lập trạm điều tiết 24/24h để điều tiết luồng tàu, đồng thời hoàn thiện hệ thống phao tiêu, biển báo bằng phao tiêu lớn hơn, sơn phản quang rõ nét để ban đêm các lái tàu có thể biết để thận trọng trong hoạt động. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình cần phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát đầu tư một số trụ chống xô va ở các vị trí cầu yếu" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục