Nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ các dự án điện trọng điểm

18:54' - 20/01/2021
BNEWS Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung-CPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia-EVNNPT) đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung-CPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia-EVNNPT) cho biết, đơn vị đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như các dự án đường dây 500kV mạch 3, giải tỏa công suất các nguồn BOT, giải tỏa các nguồn thủy điện Tây Bắc, các nguồn năng lượng tái tạo, mua điện Lào.
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc kịp thời tháo gỡ để hỗ trợ, đồng thời Chính phủ cũng có công điện với các địa phương để giải quyết các điểm nóng.

Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm cấp bách EVN/EVNNPT thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, ứng vốn kịp thời khi chưa ký được hợp đồng vay vốn, cùng với CPMB làm việc cụ thể với các địa phương để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN/EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia điều hành, từ điều phối cung cấp vật tư thiết bị, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong EVNNPT. Trong đó, Giám đốc CPMB trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.
Về chế độ, chính sách công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải tính đúng, tính đủ theo đúng các quy định; Thủ tục kê kiểm, áp giá, niêm yết, công khai… làm đúng trình tự quy định ngay từ đầu, trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian.

Đặc biệt, phải bám sát chính quyền địa phương các cấp để đảng ủy, chính quyền cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết, cần tiếp cận cùng chính quyền từ cấp xã/huyện để tuyên truyền, vận động, giải thích,... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo CPMB, Ban điều hành chịu trách nhiệm điều hành chi tiết công tác thi công, thường trực trên công trình để kịp thời phối hợp với các đơn vị và địa phương giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu; khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương để bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp.
Một giải pháp đang tiếp tục được CPMB triển khai là đơn vị tổ chức tốt hoạt động của các Ban Tiền phương. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc hàng ngày/tuần/tháng; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công….

Trên cơ sở đó, Ban Tiền phương tổ chức kiểm tra kiểm điểm tiến độ, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc hàng ngày liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công.…. Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, kịp thời báo cáo với lãnh đạo cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát chặt chẽ.
Về việc tổ chức điều hành các đơn vị tham gia dự án, theo ông Tuyển, các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch, trong một số trường hợp cụ thể và giai đoạn nước rút, cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị xây lắp, của các Công ty truyền tải điện cho các đơn vị chậm và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến, sau khi đơn vị thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn thành.
Một giải pháp nữa là đơn vị thường xuyên tổ chức họp điều độ tuần ở cấp Công ty tại công trường, điều độ tháng ở cấp Tổng công ty, điều độ quý ở cấp Tập đoàn (EVN) để đôn đốc tiến độ, giải quyết các vướng mắc giữa các đơn vị liên quan trong quá trình thi công xây lắp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị xây lắp, hội đồng bồi thường địa phương.
Một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo tiến độ các dự án theo kinh nghiệm thành công của CPMB chính là tổ chức các phong trào thi đua liên kết. Theo đó, Công ty chọn thời điểm để phát động thi đua, phấn đấu hoàn thành các khối lượng còn lại.

Tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động trước, trong và sau đợt phát động thi đua đến người dân bị ảnh hưởng, công nhân lao động trên công trường, các lực lượng tham gia trên công trường…, để hiểu về chế độ chính sách, về mục đích dự án và các quy định của Chính phủ. Làm sao để nhân dân hiểu và ủng hộ dự án, công nhân các đơn vị thi công cũng hiểu và biết được tầm quan trọng khi đưa được dự án vào sớm.
Trên cơ sở khối lượng công việc còn lại cần phải thực hiện, CPMB tiến hành lập kế hoạch và yêu cầu các đơn vị liên quan cần phát huy nhân lực, vật lực, nêu cao tinh thần tự giác trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các đơn vị trong và ngoài ngành điện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau:

Theo đó, dự án đường dây 500kV mạch 3 Dốc Sỏi-Pleiku 2 sẽ hoàn thành quý I/2021; đường dây Quảng Trạch-Vũng Áng và Sân phân phối 500kV Quảng Trạch, đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi sẽ hoàn thành Quý III/2021.
Các dự án giải tỏa các nguồn thủy điện Tây Bắc như: Đường dây220kV Mường Tè-Lai Châu, trạm biến áp (TBA) 220kV Mường Tè, TBA 220kV Mường La và đấu nối sẽ hoàn thành tháng 2/2021; TBA 220kV Nghĩa Lộ và đường dây 220kV Nghĩa Lộ - 500kV Việt Trì, đường dây 220kV Huội Quảng-Nghĩa Lộ sẽ khởi công quý III/2021, hoàn thành quý IV/2023.
Các dự án giải tỏa công suất các nguồn BOT như: Đường dây 500kV đấu nối Nhà máy điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia sẽ hoàn thành tháng 2/2021; đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân, TBA 500kV Vân Phong và đấu nối sẽ khởi công quý II/2021, hoàn thành quý IV/2022.
Các dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo sẽ hoàn thành quý II/2021; đường dây 220kV Nha Trang-Tháp Chàm sẽ hoàn thành quý IV/2021; đường dây mạch kép 220kV Ninh Phước - 500kV Thuận Nam sẽ được khởi công quý IV/2021, hoàn thành quý IV/2022.
Các dự án mua điện Lào như: TBA 220kV Tương Dương, đơn vị phấn đấu khởi công và hoàn thành trong năm 2021; đường dây 220kV Tương Dương-Đô Lương, đường dây 220kV Đô Lương-Nam Cấm sẽ phê duyệt Fs tháng 9/2021 và TBA 220kV Nam Cấm phê duyệt Fs tháng 5/2021.
CPMB cho biết, năm 2021, đơn vị dự kiến đóng điện 24 dự án và đảm bảo hoàn thành kế hoạch đóng điện 5 năm 2021-2025 là 64 dự án (đạt 100% kế hoạch). Bên cạnh đó, sẽ khởi công 12 dự án, đảm bảo kế hoạch khởi công trong năm 2021-2025 là 38 dự án (đạt 100% kế hoạch đề ra). Tổng nguồn vốn thực hiện trong năm 2021 là 4.682,66 tỷ đồng và 5 năm (2021-2025) là 26.046 tỷ đồng.
Năm 2020, CPMB thực hiện vốn đầu tư 6.528,93 tỷ đồng, tăng 9,09% so với kế hoạch; Giải ngân 6.457,56 tỷ đồng, tăng 7,90%. Lũy kế 5 năm 2016-2020, đơn vị thực hiện tổng nguồn vốn đầu tư 20.465 tỷ đồng, tăng 4,32% so với kế hoạch, đồng thời giải ngân 19.094 tỷ đồng, đạt 97,33%.  
Với nguồn vốn này, năm 2020, CPMB đã khởi công 9 dự án và lũy kế 5 năm 2016-2020 khởi công 58 dự án.  Đồng thời, đơn vị đóng điện trong năm 2020 là 12 dự án; trong đó có một số các dự án tiêu biểu: Các dự án nâng cao năng lực truyền tải như: TBA 500kV Chơn Thành, TBA 220kV Lưu Xá (Nhánh rẽ 220kV), đừng nhánh 220kV sau TBA 500kV Việt Trì; các dự án đồng bộ nguồn thủy điện như: đường dây 220kV Thượng Kon Tum - Quảng Ngãi, Lắp MBA 500kV và 220kV thứ 2 tại trạm 500kV Lai Châu; các dự án giải tỏa nguồn NLTT như TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối, TBA 220kV Vân Phong; các dự án giải tỏa nguồn BOT Nhà máy điện Nghi Sơn 2 như  TBA 500kV Nghi Sơn giai đoạn 1. Như vậy lũy kế 5 năm 2016-2020, đơn vị đã hoàn thành đóng điện 62 dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục