Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia mắc bẫy lừa đảo đầu tư tài chính đa cấp

14:20' - 08/05/2017
BNEWS Mạng lưới đầu tư tài chính đa cấp JJPTR tuyên bố bị tin tặc tấn công, gây "thất thoát" trên 115 triệu USD, khiến các nhà đầu tư, trong đó có cả người Việt Nam đang lao động tại Malaysia, rất lo lắng.

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, cuối tháng 4 vừa qua, mạng lưới đầu tư tài chính đa cấp JJPTR ở Malaysia tuyên bố bị tin tặc tấn công sàn giao dịch trên mạng, gây "thất thoát" trên 500 triệu ringgit (hơn 115 triệu USD), khiến các nhà đầu tư, trong đó có cả người Việt Nam, Trung Quốc... đang lao động tại Malaysia, rất lo lắng.

Với lời hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao (từ 20-30%/tháng) và các chương trình "Tài chính thông minh" về mua bán ngoại tệ, "Từ nghèo tới giàu", cùng với lời cam kết "không có rủi ro", nên trong 2 năm kể từ khi xuất hiện, JJPTR vẫn lôi kéo được rất đông người tham gia, bất chấp chính phủ, báo chí và Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đã nhiều lần cảnh báo.

Theo thống kê hiện có khoảng 400 chương trình đầu tư siêu lợi nhuận mờ ám giống như JJPTR đang gặp bê bối ở Malaysia.

Phương thức hoạt động của các chương trình này khá giống nhau với chiêu thức dụ dỗ người tham gia bỏ càng nhiều tiền thì càng lãi cao.

Các cá nhân và tổ chức lừa đảo thường tổ chức hội thảo, thuyết giảng về đầu tư siêu lợi nhuận, để trở thành đại gia sau vài tháng. Người tham gia vì hám lợi còn rủ thêm người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng đầu tư, để được cộng điểm và tăng lãi suất (còn gọi là hình thức đa cấp hay hình tháp ảo).

Và cái kết cuối cùng là nhà đầu tư mất trắng khi các đối tượng lừa đảo đột nhiên "mất tích", công ty tuyên bố phá sản, hay sàn giao dịch trên mạng đóng cửa.

Trước tình hình trên, BNM cảnh báo sẽ "mạnh tay" dẹp các chương trình tài chính bất hợp pháp và xử lý theo pháp luật cả người quảng bá lẫn những người tham gia. Bên cạnh đó, BNM cũng chỉ đạo các tổ chức tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh cần tăng cường giám sát, phát hiện các tài khoản dùng để thực hiện các chương trình ảo, hoạt động gian lận tài chính.

Các tổ chức này cần phải tăng cường chính sách và quy trình kiểm tra danh tính khách hàng (CDD) nhằm xác định các giao dịch đáng ngờ và dòng tiền giữa các tài khoản ngân hàng, tránh tạo điều kiện hoạt động cho các chương trình tài chính bất hợp pháp./.

>>> Điều tra mở rộng "tập đoàn" đa cấp Phúc Gia Bảo

>>> Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông

>>> Thái Lan: Hơn 1.000 người mắc kẹt ở sân bay do bị lừa đảo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục