Nhiều ngân hàng lãi lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối

16:33' - 30/07/2024
BNEWS Trái ngược với sự ảnh hưởng tiêu cực lên các doanh nghiệp vay nợ USD lớn, việc tỷ giá biến động trong nửa đầu năm nay đã mang lại khoản thu nhập ngoài lãi lớn cho nhiều ngân hàng thương mại.

Thậm chí, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 3 chữ số hoặc chuyển từ lỗ sang lãi lớn ở mảng kinh doanh ngoại hối.

 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2024 với lãi sau thuế ghi nhận gần 6.534 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tăng mạnh các nguồn thu ngoài lãi.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho BIDV khoản lãi thuần lên đến 1.726 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là khoản thu nhập ngoài lãi lớn thứ 2 của BIDV, chỉ sau mảng dịch vụ đạt 1.939 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm nay, kinh doanh ngoại hối mang về nguồn lãi thuần “khổng lồ” cho ngân hàng này là 3.191 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về giá trị tuyệt đối, BIDV cũng là ngân hàng ghi nhận khoản lãi thuần về kinh doanh ngoại hối lớn nhất trong số hơn 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Mới đây, BIDV cũng được vinh danh là Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối và phái sinh tốt nhất Việt Nam năm 2024, do Tạp chí Asian Banking and Finance (ABF) trao tặng.

Trước đó, báo cáo tài chính giữa niên độ của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng cho thấy sự đóng góp lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối trong tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Cụ thể, trong quý II/2024, LPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.422 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng mạnh mẽ nhất của ngân hàng này trong vài quý gần đây.

Bên cạnh tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần nhờ sự hồi phục của nền kinh tế, LPBbank cũng ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt 866 tỷ đồng trong quý II/2024, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối cao gấp 2,3 lần cùng kỳ.

Trong phần giải trình về sự biến động lợi nhuận quý II/2024, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết, tại LPBank, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Bên cạnh đó, LPBank tích cực đồng hành cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng cho biết, Techcombank cũng ghi nhận lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, trong quý II/2024, Techcombank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt hơn 411 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm 2024, mảng dịch vụ này mang về cho Techcombank trên 955 tỷ đồng, tăng khủng so với khoản lỗ hơn 240 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2023.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) trong quý II/2024 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh ở mảng kinh doanh ngoại hối. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho SeABank khoản lãi gần 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt 33 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối đã giúp SeABank bù khoản lỗ đáng kể từ mua bán chứng khoán kinh doanh, khi lỗ gần 39 tỷ đồng và chi phí hoạt động tăng lên trong quý II/2024.

Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ghi nhận khoản lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 30% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm 2023.

Trong nửa đầu năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng thị trường cùng sự phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương khiến đồng tiền của nhiều nước bị giảm giá, trong đó có VND.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, mức mất giá của VND vào khoảng 4,4%. Trong khi đó, thu nhập từ mảng ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ dịch vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay, tương ứng nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra; và thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Một số ngân hàng khác có thêm mảng kinh doanh vàng.

Với mức biến động mạnh về tỷ giá và giá vàng trong nửa đầu năm nay, việc nhiều ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng lớn ghi nhận lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối là điều dễ hiểu.

Do đó, ngoài những ngân hàng trên đã công bố báo cáo tài chính, một số ngân hàng lớn khác như: Vietcombank, Vietinbank, Agribank… dự kiến cũng sẽ ghi nhận khoản lãi lớn từ mảng kinh doanh này, nhờ sở hữu thế mạnh sẵn có với mạng lưới giao dịch bao phủ rộng ở cả trong nước và nước ngoài, đi cùng yếu tố nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, những ngân hàng có tệp khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn dự kiến cũng sẽ có nhiều lợi thế ở hoạt động này.

Trong những tháng cuối năm, áp lực tỷ giá dự báo vẫn còn hiện hữu khá lớn, nhất là vào những thời điểm mùa vụ cuối năm khi nhu cầu xuất nhập khẩu thường tăng cao hơn. Tuy vậy, một số tổ chức tài chính gần đây đều nhận định, tỷ giá hạ nhiệt hơn so với nửa đầu năm, với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Điều này sẽ phần nào tạo nhiều dư địa hơn cho các nước; trong đó, có Việt Nam ổn định tỷ giá.

Tuy vậy, để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ biến động tỷ giá lên bảng cân đối lợi nhuận, một số chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng cần nâng cao năng lực đánh giá, dự báo biến động thị trường để đưa ra các quyết định trạng thái ngoại hối phù hợp; đồng thời, tăng cường sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh ngoại hối…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục