Nhiều nông sản vùng miền tham gia dự án khởi nghiệp xanh

14:02' - 19/09/2023
BNEWS Có 108 dự án khởi nghiệp xanh vào vòng bán kết; trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP, đặc trưng địa phương.

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quy tụ 179 dự án của 36 tỉnh, thành tham gia. Theo đó, 108 dự án vào vòng bán kết; trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP, đặc trưng địa phương.

Cụ thể, tại vòng bán kết vừa diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh có thể kể đến những dự án nổi bật, gồm: Dự án phát triển lạp xưởng cá lóc (cá quả) của tỉnh Đồng Tháp; nấm Linh Chi Thành Đồng của tỉnh Đắc Lắk; rượu Cần Đắk Giang - đặc sản văn hóa của người BAH NAR; sản phẩm từ hàu sữa tại các vùng Đầm Phá tỉnh Thừa Thiên Huế; sản phẩm sữa dê gắn với du lịch nông trại... Bên cạnh đó, nhiều dự án sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm như các loại hoa, măng, hạt mắc ca, mật ong, atiso, dừa, bưởi non, măng tây, trái nhàu...

 
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Dương Thị Hồng Chuyên - chủ dự án phát triển lạp xưởng cá lóc của tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, sản phẩm được phát triển xuất phát từ tài nguyên bản địa và có nguồn cung nguyên vật liệu dồi dào tại quê hương. So với với những loại lạp xưởng được chế biến nguyên vật liệu từ thịt gia súc, gia cầm...,lạp xưởng cá lóc có lợi thế vì thuộc nhóm thực phẩm có nguồn nguyên liệu xuất xứ tự nhiên (thiên nhiên) và tốt cho sức khỏe, nhất là những người có nhu cầu hạn chế dầu, mỡ.

Theo chị Dương Thị Hồng Chuyên, nếu lúc trước người tiêu dùng yêu thích các loại cá khô nhưng quan ngại việc một số loại cá có nhiều xương hay phải chế biến cầu kỳ mới có thể dọn lên bàn ăn với sản phẩm lạp xưởng cá lóc chỉ cần chế biến đơn giản, tiết kiệm thời gian và tiện lợi. Đồng thời, sản phẩm này cũng khá phù hợp với trẻ em và người già mong muốn bổ sung dinh dưỡng từ cá cũng như ưu chuộng thực phẩm Việt, bởi sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Đồng Tháp.

Tương tự, ghi nhận ý kiến nhiều chủ dự án khác cũng cho thấy, dự án tham gia cuộc thi  đều mang trong mình yếu tố tác động cộng đồng, vùng dân tộc thiểu số và ứng dụng công nghệ xanh phù hợp với xu hướng thị trường. Ngoài ra, để đảm bảo những yếu tố này, tất cả chủ dự án đều phải không ngừng nỗ lực sáng tạo và tăng cường giải pháp mới trong ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Tại vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023 ở Tp. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Cẩm Chi – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển thanh niên (FYE), đồng thời là thành viên Ban Giám khảo đánh giá, những dự án quy tụ tại cuộc thi năm nay không chỉ có những chủ doanh nghiệp, sinh viên trong nước, mà còn thu hút những du học sinh đã đi xa mong muốn quản bá hàng hóa, đặc sản, ẩm thực quê hương ra thế giới.

Đây là cơ sở và tín hiệu tích cực cho phép kỳ vọng về đội ngũ doanh nghiệp kế thừa và một hệ sinh thái doanh nông khởi nghiệp, doanh nông trẻ góp sức cho nền kinh tế nông nghiệp Việt.

Trải qua các ngày trình diễn dự án sôi động của 43 chủ dự án, Ban Giám khảo vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh lần 9 – 2023 ở Tp. Hồ Chí Minh đã xét chọn 15 dự án vào vòng chung kết đến từ nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Lâm Đồng, Tp. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... Trước đó, vòng bán kết diễn ra tại tỉnh Bến Tre, Ban Giám khảo cũng đã tìm ra 8 dự án vào vòng chung kết đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho hay, song song với cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023, Ban Tổ chức còn triển khai hơn hơn 10 lớp tập huấn tại nhiều tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận.

Thông qua những lớp tập huấn này, Ban Tổ chức cùng sở, ngành địa phương hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nông trẻ nâng cao thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thực hiện thành công các dự án. Đồng thời, lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đổi mới sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa...

Dự kiến, trong tháng 9/2023, vòng bán kết cuối cùng của cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023 sẽ diễn ra ở khu vực miền Bắc, tại Hà Nội. Sau ba vòng bán kết khu vực sẽ có 30 dự án thi vòng chung kết diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10/2023.

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9/2023 có sự phối hợp của công ty CP Vinamit, Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp hàng Việt Nam chức lượng cao.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp đồng hành cùng cuộc thi chỉ ra rằng, thực tế tại nhiều địa phương cũng có đa dạng chương trình đào tạo thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp nông thôn và đây cũng là chiếc nôi của cộng đồng khởi nghiệp, chung tay với bệ đỡ từ hiệp hội, doanh nghiệp đầu ngành.

Đặc biệt, những năm gần đây, khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, đặc sản quê hương có sức hút và vừa sức với người trẻ hay người khởi nghiệp có nguồn lực nhỏ bởi có thể chinh phục thị trường ngách và từng bước tìm chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay, cùng với số lượng ngày càng nhiều chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp, thì chất lượng các dự án khởi nghiệp cũng được nâng tầm hơn nhiều so với những năm trước đây.

Điển hình, chủ dự án khởi nghiệp tham gia những cuộc thi hay chương trình gọi vốn đều mang đến danh mục sản phẩm đa dạng với mẫu mã bao bì đẹp, nhất là có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng từ một số cơ quan quản lý nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục