Nhiều nước ủng hộ kế hoạch tiết kiệm năng lượng của Đức

06:38' - 28/07/2022
BNEWS Nhiều nước ủng hộ kế hoạch tiết kiệm năng lượng, kêu gọi người dân tiếp tục cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt của nước Đức trước mùa Đông sắp tới.

Trong bối cảnh Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt đến châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn khoảng 20% công suất, giới chức Đức ngày 27/7 đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt trước mùa Đông sắp tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trước đó, ngày 25/7, Gazprom thông báo sẽ cắt nguồn cung xuống còn 33 triệu m3/ngày, bằng một nửa số lượng mà tập đoàn này đã cung cấp kể từ khi hoạt động trở lại vào tuần trước sau 10 ngày tạm ngừng để bảo trì. Gazprom cho rằng việc tạm dừng hoạt động của một trong hai tuabin cuối cùng do vấn đề kỹ thuật là lý do để Moskva đưa ra quyết định trên.

 

Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Đức đã bác bỏ lời giải thích trên, cho rằng không có lý do kỹ thuật nào để giảm lượng giao hàng. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Müller, xác nhận dòng khí đốt từ Nga sang Đức đã giảm từ 40% xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27/7. Mặc dù vậy, ông Müller hoan nghênh người tiêu dùng và ngành công nghiệp đã tự nguyện giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Theo ông Klaus Müller, việc giảm tiêu thụ khí đốt sẽ cho phép Đức bổ sung vào nguồn dự trữ quốc gia, hiện mới ở mức khoảng 65%. Theo kế hoạch, các kho dự trữ khí đốt phải được lấp đầy 75% vào ngày 1/9, tăng lên 85% vào ngày 1/10 và lên 95% vào ngày 1/11. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận nền kinh tế lớn nhất EU, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga trong nhiều năm qua, hiện đang phải tìm các nguồn thay thế.

Trước đó, ngày 26/7, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Đây được coi là hành động đoàn kết với Đức nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Hội đồng châu Âu (EC) đã hoan nghênh kế hoạch này như sự đoàn kết thống nhất của EU.

Trong tuyên bố, EC viết: “Trong nỗ lực nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng nội khối, các nước thành viên đã thông qua một thỏa thuận mang tính chính trị về việc tự nguyện giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông này”.

Tuyên bố nêu rõ EC cũng dự báo khả năng kích hoạt "cảnh báo của EU" về an ninh nguồn cung, trong trường hợp việc giảm nhu cầu khí đốt sẽ trở thành quy định bắt buộc. Theo EU, mục đích của việc giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa Đông nhằm chuẩn bị cho việc nguồn cung khí đốt có thể bị gián đoạn từ Nga.

Cũng liên quan đến kế hoạch cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt, Pháp cho biết việc thể hiện tình đoàn kết với Berlin trong việc tiết kiệm năng lượng sẽ giúp bảo vệ toàn bộ châu Âu.

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, Agnes Pannier-Runacher cho biết: “Các chuỗi công nghiệp của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Nếu ngành công nghiệp hóa chất ở Đức gặp vấn đề, toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu có thể dừng hoạt động”. Cùng ngày 27/7, các quan chức Bộ năng lượng Pháp còn cho biết Paris có thể cung cấp cho Đức 20 terawatt giờ khí đốt, tương đương 2% lượng tiêu thụ của Đức, trong những tháng mùa Đông nếu cần trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết kế hoạch này cũng chính là “câu trả lời mạnh mẽ” trước quyết định của Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cắt giảm lượng khí đốt đến châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục