Nhiều văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Thụy Sỹ và Nga của Chủ tịch nước

12:03' - 04/12/2021
BNEWS Trong chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ và Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng.
*Các văn bản hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sỹ

-Ngày 26/11 (giờ địa phương), Hãng hàng không Vietjet đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác giá trị lớn với các tập đoàn hàng đầu Thụy Sỹ. Lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin.

Cụ thể, Vietjet và công ty SR Technics, nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay hàng đầu thế giới đã ký thoả thuận trị giá 150 triệu USD về cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho đội tàu bay A320 và A321 sử dụng động cơ CFM56-5B của Vietjet.

Công tác bảo dưỡng sẽ được thực hiện tại cơ sở hiện đại của SR Technics ở sân bay Zurich, Thụy Sỹ. Thoả thuận hợp tác cũng bao gồm các dịch vụ cung cấp và đào tạo kỹ thuật, cung cấp và sửa chữa phụ tùng máy bay, và kế hoạch hợp tác vận hành Học viện đào tạo hàng không tại Việt Nam của hai bên.

Cũng nhân dịp này, Vietjet và công ty Swiss-AS, nhà cung cấp giải pháp công nghệ hàng không hàng đầu thế giới của Thụy Sỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và tăng cường vận hành hệ thống công nghệ quản lý kỹ thuật hàng không AMOS.

Theo đó, Swiss-AS và các công ty thành viên sẽ cung cấp thêm cho Vietjet dịch vụ sử dụng nền tảng của phần mềm AMOS trên thiết bị di động, tự động hoá và số hoá hoàn toàn công việc của đội ngũ kỹ sư Vietjet. Ngoài ra, hãng sẽ tăng cường sử dụng và cập nhật các tác vụ của AMOS về kế hoạch tự động và lên lịch vận hành tàu bay, tối ưu quản lý ngân sách bảo dưỡng… Swiss-AS cũng sẽ tổ chức các đợt đào tạo cho đội ngũ quản lý và giáo viên (train the trainer) cho học viện Vietjet với tần suất và quy mô lớn trong thời gian tới.

-Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Kaleido đã ký hợp tác chiến lược về việc phát triển hoạt động mảng Private Banking tại Việt Nam. Lễ ký kết thuộc khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao Việt Nam - Thuỵ Sĩ với sự hiện diện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin và đại diện của 2 ngân hàng.

Private Banking là dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho tầng lớp thượng lưu. Theo định hướng mới của MSB từ năm 2022, tệp khách hàng này được đánh giá là động lực dẫn dắt tăng trưởng của ngân hàng. 

Theo thỏa thuận hợp tác, Ngân hàng Kaleido sẽ hỗ trợ tư vấn cho MSB trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, nâng cao trải nghiệm khách hàng, thiết kế sản phẩm, xây dựng chiến lược bán hàng, đầu tư phát triển công nghệ và thu hút nhân tài. Đây đều là những yếu tố nền tảng giúp MSB triển khai định hướng mới một cách khoa học và bài bản hơn. 

Về phía MSB, ngân hàng sẽ cung cấp cho Kaleido Bank những thông tin về thị trường ngân hàng trong nước để có thể dễ dàng nắm bắt và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa MSB và Kaleido Bank hứa hẹn mang tới những giá trị nổi trội cho dịch vụ Private Banking, như giúp khách hàng quản lý khối tài sản, thay mặt khách hàng đầu tư sinh lợi nhuận, cung cấp thông tin về các cơ hội đầu tư và phân tích dưới dạng báo cáo chi tiết, lập kế hoạch nghỉ hưu hay chuyển giao tài sản cho các thế hệ tương lai

*Các văn bản hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Nga

-Ngày 1/12, Chính phủ hai nước đã ký kết Nghị định thư; các bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết, trao đổi biên bản thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, gồm sản xuất phương tiện vận tải, an ninh mạng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, văn hóa, âm nhạc, năng lượng, sản xuất vaccine phòng COVID-19, phát triển thể thao trình độ cao…

- Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đã ký kết biên bản ghi nhớ với Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Tập đoàn Binnopharm về việc chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết lập mới một cơ sở sản xuất "chu trình đầy đủ” vaccine Sputnik V phòng COVID-19 tại Việt Nam; đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất, cùng thiết lập trung tâm nghiên cứu và cơ sở sản xuất "chu trình đầy đủ" tại Việt Nam để sản xuất các loại dược phẩm phòng chống COVID-19 và các loại dược phẩm khác.

Theo đó, để thiết lập một “chu trình đầy đủ”, RDIF sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cần thiết và hỗ trợ toàn diện cho các đối tác được lựa chọn, bao gồm các tài liệu, quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực, vật liệu sinh học cần thiết đảm bảo vaccine đạt tiêu chuẩn như sản xuất tại Nga.

Tập đoàn Binnopharm hiện là nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất, đồng thời là một trong những doanh nghiệp chủ lực sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Binnopharm là một trong những công ty lớn nhất trên thị trường dược phẩm Nga, được người dân Nga ưa chuộng và tin dùng với danh mục thuốc đa dạng.

Trong khi đó, RDIF là quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, đóng vai trò dẫn dắt trong việc hợp tác giữa các nhà đầu tư hàng đầu thế giới với các công ty hàng đầu của Nga. RDIF là đơn vị tài trợ chính cho chương trình nghiên cứu, và hợp tác sản xuất vaccine Sputnik V.

-Công ty VABIOTECH trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam và Tập đoàn SOVICO đã ký thoả thuận hợp tác với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) trong việc cung ứng, sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam.

Đây là thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm phát triển hoạt động sản xuất vaccine Sputnik phòng COVID-19, do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamaleya (Nga) phát triển, tại Việt Nam. Thỏa thuận cũng bao gồm mở rộng nguồn cung cấp vaccine Sputnik tại Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận, hợp tác chuyển giao công nghệ, phương pháp phân tích và kiểm tra chất lượng…

VABIOTECH một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam, với sự đồng hành của tập đoàn SOVICO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng RDIF và Viện Gamaleya sản xuất vaccine Sputnik mỗi năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào kế hoạch tự chủ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

- Nhân dịp này, HDBank đã ký kết thỏa thuận với Liên đoàn Cờ thế giới (FIDE) và Liên đoàn Cờ Việt Nam (VCF) về việc đồng hành cùng Giải cờ vua quốc tế trong 10 năm tới. Theo đó, FIDE sẽ đồng hành cùng Liên đoàn Cờ Việt Nam và HDBank tổ chức giải Cờ vua quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm, từ năm 2022 đến năm 2031.

Cụ thể, FIDE đưa giải đấu Cờ vua quốc tế HDBank tại Việt Nam vào danh sách các giải chính thức trong khuôn khổ của FIDE, thu hút các kỳ thủ khắp thế giới. FIDE hỗ trợ nâng cao chất lượng giải đấu. VCF tổ chức giải, nâng cao trình độ năng lực đội tuyển và các kỳ thủ Việt Nam, thu hút kỳ thủ khắp nơi trên thế giới tham dự.

Trong khuôn khổ của giải Cờ vua quốc tế HDBank, các bên thống nhất cùng phối hợp tổ chức: Các hội thảo dành cho trọng tài, huấn luyện viên, nhà tổ chức; Các lớp học của các đại kiện tướng dành cho trẻ em, thanh thiếu niên; thực hiện các khoá đào tạo về tổ chức giải, hội thảo.

Ngoài ra, các bên sẽ cùng hỗ trợ triển khai dự án “Cờ vua trong trường học” tại Việt Nam, phổ biến thể thao trí tuệ; đồng thời tiến hành các sự kiện trong khuôn khổ năm 2022 được FIDE công bố là năm cờ vua nữ./.

-

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục