Nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc và Ấn Độ giảm sút

06:30' - 12/06/2017
BNEWS Các nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, trong đó có Indonesia, đang đối mặt với tình trạng hàng hóa ứ đọng do nhu cầu nhập khẩu than đá của Trung Quốc và Ấn Độ giảm mạnh trong thời gian qua.
Nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc và Ấn Độ giảm sút. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này làm cho viễn cảnh dài hạn đối với thị trường than không mấy sáng sủa và các doanh nghiệp của các nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới như Australia, Indonesia và Nam Phi khó có thể đưa ra kế hoạch dài hạn để nâng cao sản lượng. 

 Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” có đăng bài phân tích của tác giả Russell, theo đó các nhà xuất khẩu than trên thế giới có chút hy vọng về tương lai phát triển khi nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia châu Á vẫn được duy trì và giá cả dường như đang ở mức độ tương đối ổn định. 

Tại Diễn đàn ngành than châu Á diễn ra trong tuần vừa qua tại đảo Bali, Indonesia, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về biện pháp duy trì sản lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác than. 

Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy ngành khai thác than đang phải đối mặt với một thực tế phũ phàng là hai nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang giảm nhập khẩu mặt hàng này.  

Các công ty khai thác mỏ có thể dựa vào những đánh giá, dự báo về nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên các xu hướng hiện tại và trong tương lai để định hướng sản xuất. 

Song những nhận định này cũng không thể cập nhật được sự thay đổi nhanh chóng và khó lường về chính sách năng lượng của Bắc Kinh và New Delhi

Sự gia tăng nhập khẩu than của Trung Quốc vào năm ngoái là một ví dụ, mặc dù đây là một thay đổi chính sách có lợi cho các nhà xuất khẩu than trên thế giới. 

Việc Bắc Kinh giảm ngày làm việc của công nhân khai thác than, từ 330 ngày/năm xuống chỉ còn 270 ngày/năm, đã làm giảm nguồn cung cấp than nội địa, nâng cao giá than trong nước và dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nhập khẩu.

Lượng than nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 25,2% lên mức 255,5 triệu tấn trong năm 2016. Điều này đã kéo theo giá than Newcastle (Australia) tăng 132% từ tháng 1/2016 lên mức cao kỷ lục 109,69 USD/tấn trong tuần kết thúc ngày 11/11, mặc dù sau đó giảm xuống còn 72,42 USD/tấn. 

Nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc tiếp tục được duy trì trong bốn tháng đầu năm 2017, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Điều này tạo ra bức tranh tích cực cho các quốc gia xuất khẩu than lớn như AustraliaIndonesia, cũng như các nước xuất khẩu mặt hàng này với quy mô nhỏ hơn như Nga và Mỹ. 

Tuy nhiên, rủi ro về chính sách lại một lần nữa xuất hiện. Truyền thông Trung Quốc loan tin Bắc Kinh sẽ hạn chế nhập khẩu than phẩm cấp thấp như một phần trong nỗ lực cân bằng cung cầu. 

Mặc dù các quy định mới vẫn chưa được công bố, nhưng bất kỳ hành động nào hạn chế nhập khẩu than trên cơ sở giá trị năng lượng hoặc hàm lượng tạp chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu than thế giới. 

Indonesia là nhà cung cấp than chính của Trung Quốc, những loại than này thường có hàm lượng năng lượng thấp. 

Còn than của Australia, có giá trị về nhiệt độ cao hơn nhưng cũng chứa nhiều lưu huỳnh và tro. Hai quốc gia này cung cấp khoảng 43% tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái. 

Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp khai thác trong nước với sản lượng than tăng 9,9% trong tháng 4/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê chính thức, sản lượng than nội địa của nước này đã tăng 2,5% trong bốn tháng đầu năm nay, ở mức 1,1 tỷ tấn. 

Chính điều này đã tạo ra tâm lý lo ngại đối với các nhà xuất khẩu bởi Trung Quốc muốn vực dậy lĩnh vực khai thác nội địa để phục vụ nhu cầu trong nước. 

Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai sau Trung Quốc - cũng đang trở nên khó khăn hơn đối với các nhà xuất khẩu than thế giới. 

Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành nhà nhập khẩu than đứng đầu thế giới vào năm 2015, tuy nhiên Trung Quốc đã giành lại vị trí này vào năm ngoái. 

Chính phủ Ấn Độ gần đây cũng áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu than để sử dụng nguồn cung từ trong nước. Giống như nhiều mục tiêu về chính sách ở Ấn Độ, đây là một mục tiêu rất khó để thực hiện, đặc biệt là ở Nam Á không có nguồn than cốc được sử dụng trong sản xuất thép - một ngành công nghiệp then chốt mà New Delhi muốn mở rộng. 

Theo số liệu của công ty chuyên theo dõi về dữ liệu hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển Thomson Reuters, lượng than nhập khẩu của Ấn Độ đã giảm 6,1% xuống 194 triệu tấn trong năm 2016. Trong bốn tháng đầu năm 2017, lượng than nhập khẩu của Ấn Độ cũng giảm 59,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2016. 

Nếu giá than ở châu Á tiếp tục giảm, nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ có thể được phục hồi, tuy nhiên kịch bản này chỉ có thể xảy ra trong ngắn hạn. Mục tiêu dài hạn của Ấn Độ là phục hồi ngành khai thác ở trong nước. 

Điểm mấu chốt của các nhà xuất khẩu than hàng đầu thế giới là hai thị trường chính của họ ở châu Á hiện đang đối mặt với nguy cơ giảm sút trong dài hạn.

Mặc dù có những tín hiệu tốt phát đi từ các nước nhập khẩu than khác trong khu vực như Malaysia và Philippines, liệu các nhà nhập khẩu nhỏ hơn này có thể bù đắp cho nguy cơ ứ đọng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ bị giảm sút hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục