Nhu cầu tiêu dùng ảm đạm tại Nhật Bản tăng áp lực lên chính sách tiền tệ của BoJ

10:28' - 12/07/2024
BNEWS Chi tiêu của hộ gia đình Nhật Bản bất ngờ giảm trong tháng Năm, khi giá cao hơn đè nặng lên sức mua của người tiêu dùng. 
Số liệu này đang làm phức tạp thêm quyết định của ngân hàng trung ương về thời điểm tăng lãi suất.

Cụ thể, trong tháng Năm, chi tiêu tiêu dùng đã giảm 1,8% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 0,1% được đưa ra trước đó, do giá thực phẩm tăng ảnh hưởng đến chi tiêu cho các mặt hàng khác. Nhu cầu đối với các tour du lịch nước ngoài cũng giảm khi sự suy yếu của đồng yen khiến việc đi du lịch nước ngoài trở nên đắt đỏ.

 
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ phục hồi trong những tháng tới khi việc tăng lương của doanh nghiệp và chương trình giảm thuế sẽ giảm bớt tác động từ chi phí sinh hoạt tăng cao đến các hộ gia đình.

Tuy nhiên, số liệu mới cho thấy sự mong manh của tiêu dùng và đặt ra nghi ngờ về quan điểm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) rằng đà phục hồi kinh tế vững chắc sẽ giữ lạm phát quanh mục tiêu 2%, vốn là điều kiện tiên quyết để tăng lãi suất.

Nhà kinh tế Masato Koike tại tổ chức tư vấn Sompo Institute Plus nhận định số liệu mới có thể buộc BoJ phải thay đổi quan điểm chi tiêu tiêu dùng ổn định, đồng thời gây khó cho ngân hàng này để ra quyết định tăng lãi suất vào tháng Bảy.

Tiêu dùng tư nhân giảm tốc là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách, vốn đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững với tiền lương và lạm phát ổn định - những điều kiện quan trọng để bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda kỳ vọng tiêu dùng sẽ phục hồi khi nhiều doanh nghiệp đưa ra các đợt tăng lương lớn và trợ cấp của chính phủ nhằm giảm hóa đơn tiền điện, sẽ hỗ trợ các hộ gia đình.

Cuộc khảo sát của một nghiệp đoàn lao động cho thấy các công ty Nhật Bản đề nghị tăng lương trung bình 5,1% trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong 33 năm và vượt mức lạm phát hiện ở mức khoảng 2%.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng BoJ sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong tháng này để chờ thêm bằng chứng cho thấy việc tăng lương sẽ lan rộng đến các doanh nghiệp nhỏ hơn và thúc đẩy tiêu dùng.

Tuy nhiên, chuyên gia Mari Iwashita thuộc công ty chứng khoán Daiwa Securities lưu ý BoJ có thể sẽ giữ nguyên quan điểm của mình, khi sự yếu kém trong tiêu dùng sẽ chỉ mang tính tạm thời. Theo chuyên gia này, BoJ thậm chí có thể quyết định tăng lãi suất vào tháng Bảy nếu nhận thấy lạm phát gia tăng là yếu tố chính ảnh hưởng đến tiêu dùng và cần phải ngăn chặn nguy cơ tăng giá hơn nữa.

Cuộc họp tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 30-31/7.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục