Những thách thức nào đang chờ đợi Chủ tịch Fed tại cuộc họp tuần này?

14:26' - 16/03/2021
BNEWS Theo giới quan sát, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể rơi vào tình thế khó khăn khi phải bảo vệ triển vọng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng làm dấy lên lo ngại về lạm phát.

Theo giới quan sát, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có thể rơi vào tình thế khó khăn trong tuần này, khi ông phải bảo vệ triển vọng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của mình trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát. 

Fed sẽ có một cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào ngày 17/3 (theo giờ địa phương). Đây là cuộc họp diễn ra gần đúng 12 tháng sau khi ngân hàng trung ương này giảm lãi suất chuẩn xuống gần 0% khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng ở Mỹ.

* Kỳ vọng về những cập nhật mới

Ông Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America Corp. cho biết vấn đề lớn mà Fed phải đối mặt trong cuộc họp là họ phải nâng các dự báo kinh tế, bao gồm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lần gần nhất Fed cập nhật các dự báo của mình là vào giữa tháng 12/2020. Đã có rất nhiều thay đổi trong ba tháng kể từ đó, bao gồm các gói kích thích tài khóa lớn có tổng quy mô lên tới 3.000 tỷ USD của Chính phủ và việc triển khai tiêm chủng được mở rộng. Điều đó đang tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa kỳ vọng của các nhà đầu tư về lãi suất và những động thái được Fed báo hiệu cho những năm tới.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg kỳ vọng Fed sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ mức 4,2% lên mức 5,8%. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn một số ước tính lạc quan nhất của Phố Wall. Goldman Sachs Group dự kiến kinh tế Mỹ sẽ tăng 7,7% trong năm nay, còn 11 công ty khác dự báo tăng trưởng sẽ ở quanh mức 7% vào cuối năm.

Triển vọng kinh tế lạc quan hơn đã làm tăng kỳ vọng của thị trường về lạm phát trong tương lai. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư bán trái phiếu, đẩy lợi suất lên cao, đồng thời làm dấy lên hoài nghi rằng Chủ tịch Powell có thể giữ lãi suất ở mức thấp như tín hiệu trước đó của Fed.

Tuy nhiên, người đứng đầu Fed vẫn kiên định với quan điểm của mình. Ông cho rằng nền kinh tế còn một chặng đường dài để trở lại mức trước đại dịch. Chủ tịch Powell nhắc lại rằng chiến lược chính sách mới của Fed đồng nghĩa ngân hàng trung ương này sẽ tập trung hơn vào việc đưa nền kinh tế trở lại trạng thái toàn dụng lao động. Fed cũng sẽ đánh giá tình hình theo cách thức rộng hơn nhiều so với trước đây.

* Đồ thị chấm trong “tầm ngắm”

Bên cạnh các cập nhật về dự báo kinh tế, giới đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng cái gọi là đồ thị chấm (dot plot) của Fed. Đồ thị này có nhiệm vụ tóm tắt dự báo lãi suất của từng quan chức Fed cho ba năm tới và dài hạn hơn.

Vào tháng 12/2020, đồ thị chấm của Fed cho thấy rằng tất cả các nhà hoạch định chính sách dự kiến lãi suất sẽ duy trì trong khoảng 0 - 0,25% hiện tại trong năm nay. Một quan chức dự báo về khả năng tăng lãi suất vào năm 2022, trong khi năm người khác nhận định thời điểm sẽ vào năm 2023. Kết luận lại, các quan chức Fed không kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong giai đoạn tới.

Mặc dù 75% nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg cho biết Fed sẽ phải tăng lãi suất vào cuối năm 2023, nhưng họ không cho rằng Fed sẽ điều chỉnh dự báo cho năm 2023 tại cuộc họp tháng này. Dù vậy, hợp đồng tương lai lãi suất đang đặt cược vào ba lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trước khi kết thúc năm đó.

Giới quan sát nhận định chính sách lãi suất cho năm 2023 của Fed có thể thay đổi, dù rất nhỏ, nếu thêm một vài trong số 18 quan chức tăng dự báo của mình. Đây có thể là một cách trấn an thị trường, cho giới đầu tư thấy rằng tình hình được cải thiện mà không cần ông Powell phải nói rõ ràng về thời điểm thắt chặt chính sách.

Đồ thị chấm của Fed đôi khi đã góp phần vào sự biến động của thị trường, một điều mà Powell rất có kinh nghiệm. Hồi năm 2019, ông từng nói rằng việc đảm bảo thị trường trường hiểu đúng về đồ thị trên là một thách thức của Fed.

* Không nhiều lo ngại về lợi suất trái phiếu?

Một vấn đề được thị trường kỳ vọng sẽ được Fed đề cập là tình hình lợi suất trái phiếu tăng đột biến gần đây, bên cạnh triển vọng phục hồi kinh tế và lạm phát gia tăng.

Bà Laura Rosner, một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn tài chính MacroPolicy Perspectives LLC cho biết thị trường đạt cược khá nhiều vào việc lạm phát tại Mỹ tăng cao trong năm 2021 nhờ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, bà tỏ ra thận trọng hơn và không kỳ vọng lạm phát ở mức cao như thị trường mong đợi.

Năm ngoái, Fed đã công bố một khung chính sách mới, trong đó cho phép lạm phát vượt quá 2% sau giai đoạn dài nằm dưới mức đó. Điều này có thể đồng nghĩa Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích nghi trong thời gian dài hơn.

Nhưng nếu sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ mà các nhà giao dịch trái phiếu đang đặt cược vào trở thành hiện thực, nó có thể gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ. Diễn biến này có thể đe dọa các điều kiện tài chính ổn định - điều mà Fed muốn tránh.

Sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế phản ánh niềm tin rằng các hoạt động kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi trong nửa cuối năm nay nhờ đại dịch COVID-19 được kiểm soát, qua đó mở ra một đợt chi tiêu bùng nổ.

Hoạt động tuyển dụng đã tăng lên, với hơn nửa triệu việc làm được tạo ra trong hai tháng đầu năm 2021. Một số nhà phân tích cho rằng tình hình đang được cải thiện nhanh chóng. Nhưng hồi đầu tháng này, ông Powell đã chỉ ra gần 10 triệu người Mỹ vẫn chưa có việc làm.

Trong khi đó, lạm phát chưa phản ánh nhiều sự phục hồi của nền kinh tế. Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ chỉ tăng 1,3% trong tháng 2/2021, cách xa mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp của ông cho biết họ không lo lắng về đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu. Giới chức Fed nói rằng miễn các biến động giá như vậy được hậu thuận bởi những lý do đúng đắn - chẳng hạn như triển vọng kinh tế mạnh mẽ hơn - thì chúng không phải là mối lo ngại.

Chuyên gia Harris thuộc Bank of America nhận định lợi suất trái phiếu tăng cao hơn là một phần trong kế hoạch của Fed. Theo chuyên gia này, ý tưởng của Fed trong hiện tại là làm cho nền kinh tế “nóng” lên, đưa lạm phát lên trên mức mục tiêu, đồng thời đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp của năm 2019 khi thị trường lao động Mỹ cũng tăng trưởng khá nóng. Để rồi vào thời điểm các mục tiêu trên đạt được, ngân hàng trung ương này mới bắt đầu tăng lãi suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục