Những vấn đề đặt ra đối với quyền công dân hậu Brexit

05:30' - 05/05/2017
BNEWS Các nhà đàm phán Brexit sẽ phải giải quyết một vấn đề cực kỳ phức tạp là quyền lợi của các công dân châu Âu sinh sống tại Anh cũng như của các công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên EU.
Những vấn đề đặt ra đối với quyền công dân hậu Brexit. Ảnh: truewealthpublishing.asia

Cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã đặt dấu hỏi lớn về tương lai của hơn 4 triệu người dân đang sinh sống trên khắp châu Âu, bao gồm công dân 27 nước thành viên EU đang sống tại Anh và công dân Anh tại các nước EU.

Theo dự kiến, quyền công dân và vấn đề tài chính hậu Brexit là hai nội dung chính trong giai đoạn đàm phán đầu tiên, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới.

Cho đến nay, cơ chế tự do đi lại của EU cho phép những người này được cư trú, học tập và làm việc ở khắp nơi trong EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May từng nhấn mạnh rằng quyết định Brexit tất yếu dẫn đến yêu cầu xem xét lại việc kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người nhập cư từ châu Âu vào Anh.

Thủ tướng Anh hiện vẫn rất kiên định với quan điểm này dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng nếu quyền tự do đi lại của các công dân EU bị Anh bãi bỏ, thì London sẽ không được tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Về phần mình, bà May vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng trong tương lai Anh có cơ hội tiếp cận thị trường chung châu Âu thông qua một thỏa thuận tự do thương mại sẽ được hai bên thảo luận trong tương lai.

Cũng như 27 nước EU còn lại, Anh chủ trương giải quyết vấn đề liên quan đến quyền công dân nhanh nhất có thể. Tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng hơn một triệu người Anh đang sinh sống, làm việc tại các nước EU và khoảng 3 triệu công dân châu Âu đang cư trú tại Anh.

Nhiều nhà quan sát quan ngại rằng quyền lợi của những công dân này có thể bị đưa ra để mặc cả trong các cuộc đàm phán về “cuộc ly dị” giữa Anh và EU, và người ta khó có thể sớm thống nhất các quy chế liên quan.

EU đã yêu cầu hai bên nỗ lực đảm bảo mọi quyền có thể áp dụng về pháp lý cho tất cả công dân châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế các quyền lợi này hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của nước Anh.

Hiện nay, quyền tự do đi lại của người dân trong EU cho phép họ tự do sinh sống, học tập và làm việc ở bất kỳ quốc gia nào thuộc khối.

Theo một số nguồn tin châu Âu, các quyền này sẽ là chủ đề quan trọng bậc nhất trong cuộc đàm phán được đánh giá là vô cùng phức tạp liên quan đến các nguyên tắc như chính sách an sinh xã hội, hệ thống y tế hay các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Các nhà đàm phán cũng sẽ phải xem xét về việc kết hôn giữa những người châu Âu và người nước ngoài. Không chỉ vậy, theo quy định, các công dân châu Âu có quyền đoàn tụ gia đình, nghĩa là họ có thể đưa người thân ở nước ngoài vào châu Âu sinh sống. Ủy ban châu Âu hy vọng Anh sẽ bảo đảm quyền lợi này cho các công dân EU sau quá trình Brexit.

Quan điểm của EU là không chấp nhận sự phân biệt đối xử giữa công dân các quốc gia thành viên trong EU. Theo các nhà nghiên cứu của Nghị viện châu Âu, tính trong giai đoạn 1990-2015, số công dân của các nước thành viên EU sinh sống tại Anh đã tăng hơn 2 lần.

Phần lớn những người này đang trong độ tuổi từ 25-34 và hầu hết họ làm các công việc có trình độ thấp. Các công dân châu Âu được hưởng trợ giúp xã hội thấp hơn 40 lần so với người Anh. Họ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước này nhiều hơn những gì họ được hưởng.

Quan điểm cuer EU là không chấp nhận sự phân biệt đối xử giữa công dân các quốc gia thành viên trong EU. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, số lượng công dân Anh sinh sống tại các nước khác thuộc EU trong cùng kỳ đã tăng khoảng 1,8 lần. Đa phần những người này sống tại Tây Ban Nha và Ireland và làm các công việc đòi hỏi trình độ chất lượng cao.

Trong bức thư gửi EU thông báo về việc thực thi Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Thủ tướng Anh nhấn mạnh hiện có nhiều công dân châu Âu đang sinh sống tại Anh và nhiều công dân Anh tại châu Âu, và đây là lý do để hai bên phải nhanh chóng ký kết một thỏa thuận về quyền lợi của các công dân đang sinh sống và làm việc tại phía bên kia.

Đề xuất về hướng đàm phán cho 27 nước thành viên với Anh dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 29/4 tới tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của 27 nước EU. Ông Tusk cho rằng trước khi nói đến bản chất mối quan hệ tương lai giữa EU và Anh, hai bên phải đi đến một thỏa thuận khung về các điều khoản của cuộc “ly dị”.

Các cuộc đàm phán song song về nhiều chủ đề sẽ làm tăng áp lực đè nặng lên lịch trình đàm phán vốn đã rất dày đặc. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier dự kiến kết thúc đàm phán Brexit vào tháng 10/2018.

Sau đó là 5 tháng cho chính phủ các quốc gia và Nghị viện châu Âu thông qua và phê chuẩn thỏa thuận. Brexit có thể sẽ bắt đầu vào tháng 3/2019. Nếu không có thỏa thuận nào được ký kết vào thời hạn được ấn định trên, nước Anh sẽ tự động bị loại khỏi EU.

Đại diện các nước châu Âu cho rằng kịch bản này nếu xảy ra sẽ là điều tồi tệ nhất cả đối với Anh và EU với các tình huống nghiêm trọng được dự đoán như thiếu hụt thực phẩm, hỗn loạn về người di cư tại Dover (Anh) giáp ranh với thành phố Calais (Pháp), và nguy cơ ảnh hưởng tới các công dân EU đang sinh sống tại Anh cũng như các công dân Anh đang cư trú trên khắp châu Âu.

Ông Michel Barnier cũng tuyên bố Brexit có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về con người, kinh tế, tư pháp và chính trị. Điều quan trọng nhất mà các bên phải nhận thức được là việc không hoàn tất thỏa thuận sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cho cả hai phía.

Khi đó, hơn 4 triệu người gồm các công dân Anh sinh sống tại EU và công dân EU sinh sống tại Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết về quyền lợi và tương lai của họ.

>>> Tìm kiếm mô hình thịnh vượng cho châu Âu hậu Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục