Những biến động trên thị trường khí đốt là tín hiệu đáng lo ngại

12:41' - 24/08/2022
BNEWS Triển vọng lạm phát và kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào diễn biến tiếp theo của giá năng lượng. Chính vì thế, những biến động gần đây trên thị trường khí tự nhiên là một tín hiệu đáng lo ngại.

Giá khí tự nhiên tại châu Âu khép phiên 22/8 ở mức cao kỷ lục và vẫn neo gần mức đó trong phiên tiếp theo, sau khi tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) trong ba ngày bắt đầu từ cuối tháng này. Giá khí tự nhiên tại châu Âu đã cao gần gần 10 lần thời điểm này năm ngoái.

 

Trong khi đó, giá tại Mỹ lại thấp hơn nhiều, nhưng cũng đang trên đà tăng. Trong phiên đầu tuần này, giá khí đốt tại Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 14 năm qua, do tiêu thụ năng lượng gia tăng trong các đợt nóng, trong khi hoạt động sản xuất chậm chạp và nhu cầu mạnh mẽ từ châu Âu trong bối cảnh các nước đang cố gắng dự trữ năng lượng cho mùa đông.

Ông Salomon Fiedler, một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Berenberg Bank, cho biết sự gia tăng mạnh trong giá khí đốt trong tuần này khiến ông càng tin rằng châu Âu đang bước vào một cuộc suy thoái. Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ và chế tạo do S&P Global công bố ngày 23/8 cho thấy hoạt động kinh doanh tại 19 nước sử dụng đồng euro đã suy giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Nhưng vẫn có một lý do để lạc quan. S&P Global cho biết có dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát tại các doanh nghiệp đã đạt đỉnh, khi mức tăng trong cả chi phí đầu vào và giá đầu ra đều chậm lại. Tuy nhiên, ông Fiedler dự đoán sự hạ nhiệt này chỉ diễn ra tạm thời. Ông nhận định với sự gia tăng mạnh trong giá năng lượng, nhất là giá khí đốt bán buôn, lạm phát có thể vẫn tăng lên trong thời gian còn lại của năm nay.

Đây không chỉ là tin xấu cho châu Âu. Ngân hàng Citi cho biết lạm phát tiêu dùng tại Anh có thể lên đến 18% trong năm 2023, tức cao gấp chín lần mức mục tiêu của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

Nhu cầu nhiên liệu cao trong khi nguồn cung hạn chế cũng đang làm tăng giá khí đốt với những người mua tại châu Á, và ở một mức độ nào đó cả ở Bắc Mỹ. Các doanh nghiệp trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng khi các hóa đơn tăng cao sẽ đè nặng lên nhu cầu hàng hóa và đẩy chi phí của họ đi lên. Và khi các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát được giá năng lượng, họ có thể buộc phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục