Những biến động trên thị trường thế giới sau quyết sách về lãi suất của ECB

13:20' - 07/06/2024
BNEWS Chứng khoán toàn cầu và đồng euro đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày 6/6, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong gần 5 năm.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%. Đồng euro và lợi suất trái phiếu chính phủ Đức tăng sau động thái của ECB.

 

Cụ thể, đồng euro nhích nhẹ lên gần 1,0890 USD/euro và lợi suất trái phiếu của nhiều chính phủ châu Âu cũng tăng.

Chỉ số chứng khoán STOXX 600 của châu Âu tăng 0,7% trong phiên 6/6. Trong khi đó, chỉ số MSCI toàn cầu gồm 47 quốc gia cũng tăng tới 0,3%, gần với mức cao kỷ lục được thiết lập vào ngày 20/5, trước khi quay đầu thoái lui.

Trong khi đó, Phố Wall ít biến động hơn, với chỉ số S&P 500 dường như không thay đổi sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại vào đầu phiên 6/6. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2%, và chỉ số Nasdaq Composite Index đi ngang.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia giảm 1,1% sau khi chạm mức cao kỷ lục, một ngày sau khi công ty này vượt qua mốc vốn hóa thị trường 3.000 tỷ USD.

Ông Marchel Alexandrovich, đối tác tại Saltmarsh Economics, nhận định rằng thị trường hiện sẽ tập trung quan sát liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 hay không.

Sự tăng giá của đồng euro, sau mức tăng 2% trong tháng qua, đã đưa đồng tiền này lên 1,0887 USD/euro. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh ngay đầu cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách rằng: "Chúng tôi không cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể."

Ông Samuel Zief, Giám đốc chiến lược ngoại hối toàn cầu tại J.P. Morgan Private Bank đánh giá: "Đây là một động thái cắt giảm thận trọng. Hiện tại chúng tôi cho rằng tháng Chín tới có thể là lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB. Nhưng không có lý do gì để kỳ vọng vào mức cắt giảm đáng kể sẽ sớm xảy ra...."

Ngân hàng trung ương Canada đã đi trước ECB và trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này vào ngày 5/6. Fed sẽ tiến hành họp chính sách vào tuần tới, song được cho là sẽ không có động thái điều chỉnh nào cho đến tháng 9/2024.

Ngược lại, cuộc tranh luận tại Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), dự kiến diễn ra vào cuộc họp tuần sau, sẽ tập trung vào việc liệu có nên tăng lãi suất và thời điểm tăng.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn hai năm, vốn nhạy cảm với kỳ vọng về chính sách lãi suất, đã tăng lên 3,037%. Lợi suất trái phiếu này đạt 3,125% vào ngày 7/6, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2023.

Cùng ngày, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đi ngang ở mức 4,287%, vẫn gần mức thấp nhất trong hai tháng.

Các thị trường hiện đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tiến hành hai đợt cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm/đợt trong năm nay, với lần đầu tiên là vào tháng 9/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục