Những công nghệ nào nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc?

05:30' - 26/08/2021
BNEWS Theo giới quan sát, những biện pháp điều tiết nhanh và bất ngờ mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm chuyển đổi lĩnh vực công nghệ có thể đi kèm với những “tác dụng phụ” không mong muốn.

Những đường nét chính trong chiến lược công nghệ của Trung Quốc đang trở nên rõ ràng. Trong 10 năm tới hoặc lâu hơn, nếu Chính phủ Trung Quốc duy trì các chính sách như hiện nay, nước này sẽ trở thành một quốc gia rất mạnh về công nghệ, đặc biệt là những ngành công nghệ cao có đột phá về khoa học và kỹ thuật (deep tech) như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, ô tô tự lái và chất bán dẫn sản xuất trong nước. 

Những “gã khổng lồ” công nghệ hiện nay như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hay tập đoàn cung cấp nền tảng thanh toán và giải trí Tencent vẫn sẽ đóng vai trò trong nền kinh tế, nhưng sẽ không mang tính chi phối và cũng không tăng trưởng mạnh như trước đây.

Các chính sách nhằm hạn chế sức mạnh thị trường của những “ông lớn” này được đưa ra nhằm tái phân phối một phần lợi nhuận của họ cho những nhà bán lẻ và nhà phát triển ứng dụng nhỏ hơn, và cho người lao động. 

Các thành phố hạng hai sẽ phát triển những khu công nghệ với dịch vụ ngày càng được địa phương hóa. Và Bắc Kinh sẽ cho phép mọi công ty lớn nhỏ được quyền tiếp cận và khai thác lượng dữ liệu khổng lồ trong hệ thống Internet, nhưng dưới sự giám sát của giới chức.

Đây cũng có thể là lý do vì sao trong suốt 9 tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát những ngành công nghệ được cho là đã tăng trưởng quá mạnh trong thời gian ngắn.

Mặc dù sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc đã tạo ra đột phá trên thế giới và huy động được lượng vốn đầu tư đáng kinh ngạc, nhưng sự phát triển quá nóng này không còn được coi là phù hợp với các mục tiêu chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi.

Ngày 11/8 vừa qua, giới chức nước này đã thông báo sẽ siết chặt quy định đối với tất cả các hình thức kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ trong 5 năm tới. Kết quả là giá trị vốn hóa thị trường của nhóm công ty công nghệ của Trung Quốc đã “bay hơi” ít nhất 1 triệu USD kể từ tháng 2/2021 đến nay.

Các nhà đầu tư nước ngoài “chống lưng” cho các công ty khởi nghiệp Internet của Trung Quốc đang rút lui, trong khi nhà đầu tư Trung Quốc trong nước cũng đang vô cùng bất an. Các chỉ số theo dõi nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc ở thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và New York (Mỹ) đều giảm 40-45% kể từ giữa tháng Hai.

Tuy nhiên, dường như điều này không khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại. Các công ty kinh doanh dựa trên nền tảng Internet chiếm ít nhất 40% các cổ phiếu vốn hóa lớn của Trung Quốc trong Chỉ số MSCI Trung Quốc. Các đại tập đoàn này kiếm được lợi nhuận vô cùng lớn cho các cổ đông của họ. Tuy nhiên, đi kèm với điều đó là nguy cơ các công ty lạm dụng sức mạnh thị trường, độc quyền...

Danh sách các công ty mà giới chức Trung Quốc nằm trong tầm ngắm này đang ngày càng dài. Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty tài chính Ant Group thuộc Alibaba bị đình chỉ bất ngờ.

Ứng dụng gọi xe trực tuyến Didi Global bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi huy động được 4,4 tỷ USD ở thị trường chứng khoán New York. Tencent thì bị phạt vì không ngăn chặn các nội dung độc hại trên nền tảng và vi phạm các quy động chống độc quyền. 

Ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 100 tỷ USD cũng bị cấm thu lợi nhuận và nhận đầu tư nước ngoài. Tờ Financial Times đầu tháng Tám đưa tin, tập đoàn cung cấp các nền tảng giải trí trực tuyến NetEase đã quyết định tạm hoãn kế hoạch IPO của công ty con chuyên về phát nhạc trực tuyến Cloud Village tại thị trường chứng khoán Hong Kong do các nhà đầu tư lo lắng về việc thắt chặt các quy định mới.

Trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố Trung Quốc đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên công bằng xã hội và an ninh quốc gia, chứ không còn tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá trong 30 năm qua. Ông lưu ý, chính phủ sẽ định hướng “phát triển nguồn vốn có trật tự” để phù hợp với chiến lược “xây dựng một mô hình phát triển mới”. 

Các nhà quan sát nước nhận xét, đây có thể là thời điểm mà Trung Quốc phá vỡ mô hình phát triển kinh tế ưu tiên tăng trưởng và là sự khởi đầu của cái gọi là chủ nghĩa tư bản do nhà nước dẫn dắt.

Ví dụ như trong lĩnh vực dữ liệu. Châu Âu đã ban hành các điều luật mới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng nhiều công ty lớn lạm dụng thông tin cá nhân của người dùng. Trung Quốc cũng đưa ra các quy định tương tự và với mức độ thậm chí nghiêm ngặt hơn so với phương Tây. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là mục tiêu của các nhà quản lý Trung Quốc còn xa hơn thế.

Chuyên gia Kendra Schaefer của công ty tư vấn Trivium chỉ ra rằng trong một văn bản chính sách của Trung Quốc từ tháng 4/2020, dữ liệu đã được như một “tư liệu sản xuất” và có tầm quan trọng ngang với nguồn vốn, lao động, đất đai và công nghệ. Giới chức nước này cũng đang kiện toàn các chính sách dữ liệu mới. Luật bảo mật dữ liệu sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9 tới và Luật bảo vệ thông tin cá nhân sẽ sớm được Quốc hội thông qua. 

Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về các luật này, một số chuyên gia dữ liệu cho rằng nhiều loại dữ liệu hiện do các “gã khổng lồ” Internet nắm giữ có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch tư nhân hoặc sàn giao dịch do chính phủ hậu thuẫn. Ví dụ, giới chức Trung Quốc đã khuyến khích Ant chia sẻ kho dữ liệu tài chính cá nhân khổng lồ của công ty này cho các doanh nghiệp nhà nước và các đối thủ công nghệ nhỏ hơn. 

Một mục tiêu khác trong chiến lược của Trung Quốc là phân phối lại sự giàu có và sức mạnh của các nền tảng công nghệ lớn đã tích lũy được trong suốt 10 năm qua. Các tập đoàn thương mại điện tử như Alibaba, JD.com và Pinduoduo đã bị vào "tầm ngắm" của Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc (SAMR) - cơ quan chống độc quyền mới của Trung Quốc.

Những “người khổng lồ” Internet này đang bị buộc phải chuyển sang các mô hình kinh doanh cởi mở hơn, với các phương tiện thanh toán và hoạt động mua sắm không còn độc quyền trên một nền tảng, cho phép người bán lẻ được quyết định giá cả hàng hóa của họ.

Các nhà phân tích cho rằng những thay đổi trên sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho người bán và giảm giá cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời tăng trưởng lợi nhuận của các "ông lớn" công nghệ sẽ chậm lại.

Người lao động cũng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách tái phân phối lợi ích. Các công ty như ứng dụng gọi xe Didi hay ứng dụng giao đồ ăn Meituan có một số lượng lớn nhân viên giao hàng và nhân viên kho hàng được trả lương thấp.

Các nhà chức trách đã yêu cầu Meituan phải tăng lương cho nhân viên và đóng bảo hiểm cho người giao hàng. Sau khi chỉ thị mới được đưa ra vào cuối tháng Bảy, giá trị thị trường của Meituan đã giảm 1/5, tương đương 42 tỷ USD.

Một khía cạnh đáng chú ý khác mà Chính phủ Trung Quốc muốn nhắm đến là việc chuyển các nguồn lực từ các công ty Internet sang các công ty có thể tạo ra những tiến bộ và đột phá trong những ngành "deep tech" mang tính chiến lược hơn.

Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong cách quản trị kinh tế của Trung Quốc. Kể từ những năm 1990, nước này đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các công ty Internet đã phát triển mạnh mẽ, với nhiều địa phương giảm thuế và nhường đất để thu hút những “người khổng lồ” công nghệ đặt trụ sở ở các tỉnh và thành phố của họ.

Giờ đây, chính phủ cũng muốn sử dụng những “củ cà rốt” như vậy, bên cạnh việc siết chặt kiểm soát, để thúc đẩy các ngành công nghệ "deep tech" mang tính chiến lược và tập trung vào phần cứng nhiều hơn, để củng cố sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến "những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ" trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử.

Chuyên gia Dexter Roberts thuộc cơ quan phân tích chính sách Atlantic Council (Mỹ) nhận xét, các quan chức cấp cao của Trung Quốc dường như tin rằng nếu Trung Quốc có thể có được lợi thế đi đầu về công nghệ tiên tiến, nước này sẽ không chỉ trở thành một siêu cường kinh tế mà còn là một siêu cường địa chính trị và quân sự. 

Định hướng chính sách của chính phủ đã khiến các doanh nhân đổ xô vào các lĩnh vực "deep tech". Chỉ riêng trong năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập 22.000 công ty liên quan đến chip, 35.000 công ty điện toán đám mây và 172.000 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý rằng những biện pháp điều tiết nhanh và bất ngờ mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm chuyển đổi lĩnh vực công nghệ của nước này có thể đi kèm với những “tác dụng phụ” không mong muốn. 

Mới đây, sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao vì hàng loạt quy định chống độc quyền được ban hành cùng với quyết định “phi lợi nhuận” lĩnh vực dạy thêm, giới chức Trung Quốc đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định rằng những chính sách mới sẽ không làm lung lay sự ổn định của thị trường Trung Quốc. 

Chuyên gia Chen Long thuộc công ty nghiên cứu Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh nhận xét, nếu các biện pháp “chấn chỉnh” ngành công nghệ của Trung Quốc hiện nay được thực hiện hiệu quả, nước này có thể giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ và trở thành hình mẫu mà các nước khác có thể áp dụng. 

Tuy nhiên, nếu xét đến những thiệt hại mà lĩnh vực công nghệ tài chính Trung Quốc đang hứng chịu, ảnh hưởng đối với kinh tế Trung Quốc là không nhỏ. Một sân chơi bình đẳng hơn có thể cho phép các công ty công nghệ nhỏ phát triển, nhưng câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ đầu tư vào những công ty này?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục