Những điểm nhấn trong Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân

16:03' - 24/08/2017
BNEWS Nhiều ý kiến băn khoăn về việc trình độ người dân mỗi nơi một khác thì báo cáo ngân sách công dân có thực sự được người dân hiểu và quan tâm đúng mức hay không.

Ngày 24/8, tại Hội thảo tham vấn về Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân nhiều ý kiến băn khoăn về việc trình độ người dân mỗi nơi một khác thì báo cáo ngân sách công dân có thực sự được người dân hiểu và quan tâm đúng mức hay không.

Hội thảo tham vấn về Báo cáo ngân sách nhà nước. Tác giả: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo bà Trần Thị Kim Hiền, đại diện Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, bản Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân đã được ngành tài chính công khai trên trang web của bộ từ năm 2015.

Báo cáo này được cơ quan chức năng quán triệt là làm sao đơn giản, dễ hiểu và người dân dễ tiếp cận. Một số nội dung chính trong báo cáo bao gồm: mục tiêu phát triển kinh tế, dự toán thu chi ngân sách, bội chi, dư nợ công,…

Tuy nhiên, bà Trần Thị Kim Hiền nhấn mạnh, tùy từng năm, phía cơ quan lập báo cáo sẽ có những điểm nhấn để thể hiện được những đặc điểm cụ thể từng thời gian.

Nếu như năm 2015, bản báo cáo này theo bà Trần Thị Kim Hiền mới chỉ đơn giản ở mức nêu lên những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, dự báo kinh tế quốc tế, hay giải pháp thu, cơ cấu thu, chi thì tới năm 2016, nội dung đã cải cách.

Bản báo cáo năm 2016 nhấn vào đánh giá chỉ tiêu kinh tế, ngân sách cho cả một giai đoạn, có so sánh giữa các giai đoạn.

Đồng tình với quan điểm về mục tiêu công khai làm sao đơn giản, dễ hiểu nhưng bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 nêu quan điểm, chỉ công khai là chưa đủ.

Lấy ví dụ về chi ngân sách, bà Bùi Thị An cho rằng, người dân không những cần những thông tin công khai mà cần cả sự minh bạch về cơ cấu chi. Bên cạnh đó, trình độ người dân không phải ai, ở đâu cũng giống nhau nên báo cáo cho người dân càng chi tiết càng tốt.

Theo bà An, việc đăng tải trên trang web là cần thiết nhưng người dân nhiều nơi có thể không đọc được.

Tuy nhiên, với Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân, một số đại biểu cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng không truyền tải tới người dân thì người dân không thể giám sát được.

Ngoài ra, việc thông tin bản báo cáo trên tới người dân theo bà nên được các đơn vị kiểm tra định kỳ nếu không dễ xảy ra tình trạng… buông xuôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục