Những dự án bất động sản "vàng” ngủ yên tại Bình Dương

16:40' - 18/11/2024
BNEWS Bình Dương, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển đô thị, đang phải đối mặt với một bài toán khó: hàng loạt dự án bất động sản quan trọng đang bị “đình trệ”.

Những dự án từng được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo khu vực nay lại trở thành nỗi ám ảnh cho người dân. Điển hình trong số đó là dự án khu dân cư Võ Minh Đức, khu dân cư Thế kỷ 21 (thành phố Thủ Dầu Một) và khu chung cư Roxana Plaza (thành phố Thuận An); các dự án này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và niềm tin của người dân.

* Khi giấc mơ an cư xa vời

 

Khởi công từ năm 2010 tại phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, dự án khu dân cư Võ Minh Đức từng được quảng bá như một nơi lý tưởng cho hàng trăm gia đình an cư. Tuy nhiên, 14 năm trôi qua, giấc mơ ấy vẫn còn dang dở. Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Thành Nguyên, chủ đầu tư dự án, không chỉ thất bại trong việc hoàn thành công trình mà còn từng bị cáo buộc xây dựng trái phép.

Hàng chục hộ dân đã bỏ tiền mua nhà tại đây với hy vọng có chỗ ở ổn định, nhưng điều họ nhận lại chỉ là những lời hứa kéo dài. Ông Trần Thế A, một khách hàng, chia sẻ: “Tôi đã bỏ ra hơn một tỷ đồng để đặt cọc mua căn nhà 5x15m. Để thanh toán, tôi còn vay ngân hàng, nhưng đến nay, nhà không có mà lãi suất ngày càng chồng chất.”

Bà Nguyễn Thị M, một khách hàng khác, cho biết bà đã đóng tới 3 tỷ đồng cho căn nhà mơ ước. Tuy nhiên, thứ bà nhận được chỉ là các văn bản xin gia hạn từ phía chủ đầu tư. “Chúng tôi đã căng băng rôn, gửi đơn kiến nghị lên chính quyền nhiều lần, nhưng không có kết quả”, bà M nói.

Còn Dự án khu dân cư Thế kỷ 21 tại phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, được giao cho Công ty TNHH Xây dựng – Đầu tư – Kinh doanh Địa ốc Tân Vũ Minh từ năm 2006. Mặc dù, đã triển khai gần hai thập kỷ, dự án này vẫn chưa hoàn thiện, khiến đời sống người dân đảo lộn. Đến năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi dự án và dự kiến chuyển đổi thành công viên Phú Cường. Tuy nhiên, định hướng này vẫn chưa được cụ thể hóa.

Các cư dân sống trong khu vực dự án treo, bức xúc: “Nhà cửa xuống cấp nhưng chúng tôi không dám sửa vì sợ mất trắng nếu dự án được thực hiện. Người dân chỉ mong chính quyền trả lại quyền sử dụng đất để an cư.”

Dự án Roxana Plaza tại thành phố Thuận An là một ví dụ khác về sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản của Bình Dương. Được khởi công từ năm 2017 với tên gọi ban đầu là Contentment Plaza, dự án do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư Bất động sản Tường Phong làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa bàn giao căn hộ như cam kết.

Hàng trăm khách hàng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan. Hàng trăm người dân mua nhà của dự án đều có những câu hỏi như: Khi nào Công ty Tường Phong xây dựng hoàn thành công trình bàn giao căn hộ cho người dân? Nếu chủ đầu tư không thực hiện xây dựng hoàn thành bàn giao căn hộ cho người dân thì chính quyền giải quyết thế nào?.

Kết luận 308/KL-UBND ngày 22/8/2023 của UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Công ty Tường Phong tiếp tục ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với các hộ dân theo các hợp đồng đã ký với công ty được ủy quyền là Công ty cổ phần Naviland. Do đó, hợp đồng các hộ dân đã ký với Công ty cổ phần Naviland vẫn có giá trị. Tại sao không tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng 03 bên giữa Công ty Tường Phong, Công ty cổ phần Naviland và người dân mà phải thanh lý hợp đồng với Công ty cổ phần Naviland rồi mới ký hợp đồng mới với Công ty Tường Phong…

* Khó khăn trong xử lý và nỗ lực từ chính quyền

Trước tình hình phức tạp tại dự án Võ Minh Đức, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện phần dự án đã được giao đất; đồng thời, điều chỉnh quy hoạch và chia dự án thành các giai đoạn đầu tư phù hợp. Nếu chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ xem xét đưa vấn đề ra tòa án, thậm chí yêu cầu công an điều tra để xử lý các vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chia sẻ, Sở không muốn hình sự hóa hợp đồng kinh tế giữa các bên, nhưng để giải quyết dứt điểm, có thể phải yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Việc thu hồi dự án và bồi thường cho người dân có thể là giải pháp tối ưu để chấm dứt tình trạng tồn đọng. Dự án Võ Minh Đức hiện nay đã được tỉnh cho điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến năm 2028.

Còn đối với dự án Roxana Plaza (tên cũ là Contentment Plaza) do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư Bất động sản Tường Phong làm chủ đầu tư. Hiện tại, các block A và B của khu căn hộ tại dự án này đã được cất nóc và đang trong giai đoạn hoàn thiện nội thất. Tuy nhiên, Công ty Tường Phong và Công ty cổ phần Naviland vẫn chưa đạt được thỏa thuận với toàn bộ khách hàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng.

Để giải quyết các vướng mắc, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-UBND ngày 08/7/2024, thành lập tổ công tác nhằm đối thoại với các bên liên quan. Tổ công tác đã tổ chức ba đợt đối thoại và đang tiếp tục làm việc để tổng hợp hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh đưa ra phương án xử lý.

Việc Công ty Tường Phong và Công ty cổ phần Naviland vi phạm các quy định về xây dựng, về kinh doanh bất động sản tại dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, dự án Công viên Phú Cường (trước đây là Khu dân cư Thế kỷ 21) do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư cũng gặp không ít trở ngại. Dự án kéo dài nhiều năm khiến đời sống của các hộ dân thuộc diện tái định cư gặp khó khăn. Từ năm 2017 đến 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm ứng từ Quỹ Phát triển đất để hỗ trợ tiền tạm cư cho người dân với tổng số tiền 5,928 tỷ đồng. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước xác định việc này không đúng quy định và yêu cầu thu hồi kinh phí.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã tạm dừng việc tạm ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất và giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án hỗ trợ phù hợp. Các cuộc họp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND thành phố Thủ Dầu Một đã được tổ chức để rà soát và đề xuất các giải pháp khả thi.

Ngày 28/5/2024, các bên liên quan đã thống nhất trình UBND tỉnh phương án hỗ trợ tiền tạm cư cho năm 2022 và 2023. Đồng thời, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất cũng được đề xuất giao cho UBND thành phố Thủ Dầu Một phối hợp thực hiện, đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định pháp luật.

Những dự án bất động sản chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm mất lòng tin của người dân. Chính quyền tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thúc đẩy các giải pháp “đánh thức” những dự án “ngủ quên” này bằng cách đẩy nhanh tiến độ pháp lý, điều chỉnh quy hoạch và kêu gọi đầu tư.

Việc tái khởi động các dự án này không chỉ giúp cân bằng lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, mà còn hứa hẹn góp phần phát triển đô thị bền vững. Đối mặt với những thách thức lớn, Bình Dương đang hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố hiện đại, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục