Những gam màu sáng tối của bức tranh kinh tế Đức

14:47' - 08/02/2017
BNEWS Lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 12/2016 đạt mức tăng mạnh trong hơn hai năm qua, song sản lượng công nghiệp lại chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009.
Sản lượng công nghiệp của Đức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009. Ảnh: Reuters

Báo cáo vừa công bố ngày 6/2 của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho hay, lượng đơn đặt hàng mới của các nhà máy nước này trong tháng 12 vừa qua tăng 5,2% so với tháng trước đó.

Đây là mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2014 và vượt xa mức dự báo của các chuyên gia phân tích từ Reuters là tăng 0,5%. Cụ thể, lượng đơn đặt hàng trong nước tăng 6,7%, trong khi lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài tăng 3,9%.

Đáng chú ý, lượng đơn đặt hàng mới từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng tới 10%, bù đắp cho sự đình trệ tại một số nước khác.

Mặc dù lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 11/2016 đã được điều chỉnh giảm 3,6%, thay vì giảm 2,5% như báo cáo trước đó, song tính chung cả quý IV/2016, lượng đơn đặt hàng công nghiệp vẫn tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Ulrike Kastens, chuyên gia kinh tế từ Sal. Oppenheim, nhận định rằng các số liệu trên chứng tỏ tình hình kinh tế chung của Eurozone đang dần phục hồi.

Bà nói: “Bất chấp tình hình bất ổn chính trị, nền kinh tế Đức vẫn đang chứng tỏ sự phát triển tốt hơn mong đợi”. Bà dự báo tăng trưởng kinh tế Đức trong quý I/2017 sẽ đạt 0,6%, sau khi ghi nhận mức tăng 0,5% quý trước đó.

Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 12 vừa qua lại giảm 3%, mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2009.

Con số này trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,3% của giới phân tích và mức tăng nhẹ 0,5% sản lượng công nghiệp trong tháng 10 và tháng 11. Trong đó, sản lượng tư liệu sản xuất giảm mạnh nhất (5,4%), còn sản lượng hàng hóa tiêu dùng giảm 3,1%. 

Nhà kinh tế Carsten Brzeski từ ngân hàng ING Diba, cho rằng thời tiết mùa Đông lạnh bất thường và ảnh hưởng của dịp lễ Giáng Sinh là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Dù vậy, theo ông, hoạt động sản xuất công nghiệp của Đức sẽ được cải thiện trong những tháng sắp tới nhờ lượng đơn đặt hàng trong tháng 12 vừa qua tăng cao.

Ông cũng cảnh báo rằng sự bất ổn tại hai trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức là Anh và Mỹ, liên quan tới vấn đề Brexit và bảo hộ thương mại, có thể sẽ tạo sức ép lên triển vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho dù khảo sát mới đây cho thấy chỉ số lòng tin tiêu dùng và nhà đầu tư của Đức đều tăng trong tháng 1/2017.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục