Những hạng mục cần bảo dưỡng cho xe ô tô

09:36' - 09/04/2023
BNEWS Xe ô tô qua một thời gian sử dụng và vận hành, các chi tiết, bộ phận cấu thành đều bị mài mòn và giảm chất lượng khiến chiếc xe không còn hoạt động ổn định và mất đi sự an toàn vốn có.

Do đó, bảo dưỡng ô tô chính là biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng hoặc thay thế các chi tiết, bộ phận có dấu hiệu hư hỏng hoặc hoạt động kém ổn định đặc biệt là hệ thống bôi trơn, dầu nhớt bôi trơn, hệ thống phanh, lốp… Nhờ đó, chiếc xe của bạn sẽ luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất, đảm bảo an toàn khi vận hành.

 

Theo các chuyên gia trong ngành, với mỗi loại ô tô khác nhau sẽ có các cấp bảo dưỡng hay các mốc bảo dưỡng khác nhau tuỳ theo quy định của nhà sản xuất.

Thông thường các cấp bảo dưỡng xe ô tô được tính dựa theo quãng đường di chuyển như ở mốc 5.000km, 10.000km, 20.000km, 40.000km và 80.000km hoặc theo thời gian là khoảng 6 tháng/lần.

Các chuyên gia đã liệt kê các hạng mục quan trọng cần bảo dưỡng ở những bộ phận sau của xe ô tô:

Phanh xe ô tô:

Ô tô mất phanh là một trong những tình huống nguy hiểm không tài xế nào mong muốn xảy ra trong quá trình vận hành xe.

Dấu hiệu ô tô mất phanh có thể dễ nhận thấy như đạp phanh bị hẫng, đạp phanh không nhả (bó phanh), đạp phanh thấy nặng, đạp phanh hết cỡ nhưng xe không dừng, đạp phanh có tiếng kêu ken két...

Nguyên nhân dẫn đến mất phanh có thể mất áp suất dầu phanh, rò rỉ dầu phanh khiến ô tô mất phanh, có không khí lọt vào hệ thống phanh, đạp phanh liên tục trong thời gian dài dễ khiến bố phanh bị cháy, dẫn đến phanh hoạt động kém hiệu quả...

Để tránh tình huống ô tô bị mất phanh gây mất kiểm soát, chủ xe nên bảo dưỡng theo định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc làm này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm cả chi phí sửa chữa trong thời gian sử dụng xe.

Thay dầu phanh:

Thời điểm bảo dưỡng bộ phận quan trọng trên xe ô tô này đúng chuẩn là sau 2 năm sử dụng. Đối với điều kiện đường sá ở Việt Nam, việc sử phanh thường xuyên khiến phanh bị mài mòn nhiều, lâu dần khiến phạnh bị mất tác dụng.

Theo đó, khoảng sau 2 năm, chủ xe nên tiến hành thay mới dầu phanh để hệ thống phanh hoạt động nhạy bén hơn.

Thay dầu, bảo dưỡng động cơ ô tô:

Dầu bôi trơn là một thứ rất quan trọng của chiếc xe, nếu không nói nó là quan trọng nhất. Dầu nhờn sau một thời gian sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ cao trong động cơ sẽ bẻ gãy các phân tử dầu, dầu dễ bị oxy hóa dẫn đến giảm chất lượng dầu, khả năng bôi trơn giảm.

Ngoài ra trong quá trình hoạt động của động cơ, ma sát giữa các chi tiết kim loại tạo ra muội và bụi kim loại li ti sẽ khiến dầu đặc dần trở thành lực cản khiến các chi tiết trong động cơ không thể chuyển động gây tình trạng bó máy hoặc nóng máy gây hư hỏng. 

Bảo dưỡng hệ thống làm mát:

Hệ thống làm mát có vai trò quan trọng trong việc giải nhiệt động cơ, giúp khoang máy của xe ô tô hoạt động tốt hơn. Thông thường, chủ xe nên vệ sinh và bảo dưỡng hệ thống làm mát sau khoảng 2 – 3 năm sử dụng.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng nên thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát để kịp thời phát hiện ra những vấn đề trục trặc, ví dụ như bình làm mát bị cạn, bị đóng cặn hoặc bị rò rỉ…

Để kiểm tra nước làm mát, bạn chỉ cần mở nắp ca-pô để xem xét mực nước giữa 2 vạch Full/Low trên thân bình. Nếu nước nằm ngoài 2 vạch, cần bổ sung hoặc rút bớt. Lưu ý khi thay nước làm mát, cần đổ đúng loại nước phù hợp với tiêu chuẩn và loại nước cũ, tránh tình trạng kết tủa đáy két khiến két nước bị bục.

Thời điểm thay dầu hộp số sàn:

Chủ xe nên kiểm tra và thay mới dầu hộp số sàn sau khi xe chạy được khoảng 50.000 km.

Tuy nhiên, việc tiến hành bảo dưỡng dầu hộp số sàn nên được thực hiện tại các gara uy tín, tránh tình huống thay phải dầu hộp số sàn kém chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động của xe cũng như tính an toàn cho người sử dụng.

Thay dầu hộp số tự động:

Sau khi xe di chuyển được lộ trình từ 70.000 – 80.000km, chủ xe nên thay dầu hộp số tự động. Thời điểm thay dầu hộp số tự động có thể sớm hơn nếu như xe thường xuyên phải chạy trong điều kiện địa hình khắc nghiệt và thời tiết xấu. 

Thay lọc gió động cơ:

Sau 3 năm đưa vào sử dụng, hoặc chạy được 30.000 – 40.000 km, chủ xe cần tiến hành thay lọc gió động cơ. Lọc gió nếu được chăm sóc và bảo dưỡng đúng cách sẽ hoạt động hiệu quả, hạn chế tiêu hao nhiều nhiên liệu, động cơ bền hơn.

Bảo dưỡng, thay thế bugi:

Bugi là bộ phận rất dễ bị hao mòn, chính vì vậy chủ xe nên chú trọng quan tâm đến tình trạng của chi tiết này. Thông thường sau khi xe di chuyển được 30.000 – 40.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng, chủ xe nên tiến hành thay mới bugi.

Bảo dưỡng hoặc thay cần gạt nước:

Cần gạt nước là bộ phận "nhỏ nhưng có võ" trên xe ô tô. Đây cũng là bộ phận xe ô tô chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các tác nhân môi trường, nếu không chăm sóc và bảo dưỡng đúng cách sẽ nhanh bị hao mòn và hỏng hóc sẽ không làm sạch được kính lái dẫn đến che khuất tầm nhìn.

Thông thường cứ 6 tháng 1 lần chủ xe nên thay mới cần gạt nước. Thời gian này có thể thay đổi linh động tùy thuộc vào chất lượng hoạt động của cần gạt nước. 

Kiểm tra ắc quy:

Liên tiếp trong thời gian gần đây tình trạng xe bốc cháy khi di chuyển trên đường do liên quan tới lỗi chập điện ở bình ắc quy gây hoang mang cho người sử dụng. Mọi chiếc xe ô tô đều trang bị bình ắc quy 12 vol nhằm đảm bảo các hệ thống điện quan trọng hoạt động xuyên suốt, vì vậy kiểm tra tình trạng ắc quy là việc rất cần thiết.

Khi phát hiện các vấn đề có thể gây chập điện, cháy, rò rỉ chất lỏng… hãy thay mới ngay để tránh xảy ra cháy nổ, tai nạn.

Với những bình ắc quy đã sử dụng quá 5 năm. Nếu không có kế hoạch sử dụng trong thời gian dài, nên sử dụng bộ sạc ắc quy để đảm bảo tình trạng của bình ắc quy ở mức tốt nhất.

Thời điểm bảo dưỡng lốp xe:

Một trong những bộ phận quan trọng nhất, ảnh hưởng đến khả năng vận hành, độ an toàn cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu của xe trong suốt quá trình sử dụng là lốp xe.

Rất khó để xác định cụ thể lốp xe sẽ sử dụng tốt trong thời gian bao lâu bởi tuổi thọ của bộ phận này còn phụ thuộc vào chất lượng lốp xe và điều kiện địa hình mà chiếc xe thường hay di chuyển qua.

Rãnh lốp được khuyến cáo sâu tối thiểu 3mm. Nếu cảm thấy lốp quá mòn, bị nứt gãy tốt nhất là hãy thay thế kịp thời để tránh nguy hiểm.

Trong quá trình dùng xe, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp để hạn chế tình trạng lốp non hơi gây hao mòn lốp hoặc xảy ra tình trạng trượt bánh hay nổ lốp khi đi trên đường, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Kiểm tra lốp dự phòng và đồ sửa chữa trên xe khi cần thiết:

Sự cố bất ngờ xảy ra trên đường là điều không thể lường trước được, do đó trước mỗi chuyến đi xa, bạn cần chủ động một số bộ dụng cụ sửa chữa theo xe, đặc biệt là lốp dự phòng.

Bên cạnh đó, bạn cần trang bị thêm một vài kiến thức cơ bản về sửa chữa ô tô trước khi khởi hành từ trên mạng hoặc sách hướng dẫn. Ví dụ như cách thức sử dụng công cụ đo, bơm áp suất, biết sửa chữa một số trường hợp hỏng hóc nhẹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục