Những khác biệt trong kế hoạch ngân sách 2023 của Malaysia

10:00' - 02/10/2022
BNEWS Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, chủ đề của Ngân sách 2023 là Tăng cường phục hồi, tạo điều kiện cải cách hướng tới khả năng phục hồi kinh tế xã hội bền vững của “Gia đình Malaysia”.
Theo kế hoạch ngày 7/10 tới, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob sẽ trình Quốc hội dự thảo ngân sách năm 2023. So với những năm trước đó, thời điểm trình ngân sách năm nay sớm hơn so với dự kiến ba tuần và do đích thân Thủ tướng Ismail đệ trình thay vì Bộ trưởng Bộ Tài chính như trước đây.

Sự khác biệt này đã tạo ra nhiều đồn đoán về dự thảo ngân sách năm 2023 của Malaysia. Để có những đánh giá đúng về động thái mới này của chính phủ, hãy cùng nhìn lại những điểm nổi bật trong dự thảo ngân sách năm 2022.

 
Phúc lợi của người dân

Ngân sách 2022 được trình Quốc hội ngày 28/10/2021 với chủ đề “Gia đình Malaysia”. Chủ đề này đã được phản ánh thông qua ba mục tiêu chính: “Phúc lợi của người dân”; “Sự thích ứng của doanh nghiệp” và “Nền kinh tế thịnh vượng và bền vững”.

Tổng ngân sách cho năm 2022 là 332,1 tỷ ringgit (RM), đây là ngân sách lớn nhất trong lịch sử của Malaysia, lớn hơn nhiều so với ngân sách của năm 2021 là 222,5 tỷ RM.

Đúng như tinh thần hướng đến “Gia đình Malaysia”, người dân chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ ngân sách năm 2022.

Trong Ngân sách 2022, người dân Malaysia đã nhận được 8,2 tỷ RM hỗ trợ tài chính. Điều này diễn ra dưới hình thức một số đợt hỗ trợ tiền mặt cho người dân, từ các hộ gia đình có hoàn cảnh, cha mẹ đơn thân, người cao tuổi và thậm chí là những người độc thân chưa lập gia đình. Ngoài ra, ngân sách cũng được phân bổ vào việc tăng lương cho người lao động, hỗ trợ các nhà tuyển dụng và tạo việc làm.

Việc trao quyền cho phụ nữ cũng được đề cập đến trong Ngân sách 2022, với một số sáng kiến nhằm tăng số lượng nữ lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và quyết định này đã mang lại một số kết quả tích cực. Malaysia hiện có số lượng thành viên hội đồng quản trị là nữ cao nhất ở châu Á với 26%, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 19,7%, theo Báo cáo của Cơ quan kiểm toán Deloitte.

Lạm phát tại Malaysia đã tăng 3,4% vào tháng 6/2022, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. “Thủ phạm” lớn nhất là giá lương thực tăng 6,1% trong chỉ số giá tiêu dùng, tăng mạnh so với tháng 7/2021 khi chỉ số này chỉ ở mức 1,3%. Điều này đòi hỏi chính phủ đưa ra các chính sách quyết liệt hơn trong dự thảo Ngân sách 2023 để giúp giảm thiểu tác động của lạm phát.

Những nỗ lực chẳng hạn như trợ cấp có mục tiêu để thay thế hệ thống trợ cấp hiện tại hoặc thậm chí áp dụng nhiều hơn các khoản hỗ trợ để giúp người dân đối phó với tác động của lạm phát là cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách mà chính phủ đưa ra trong Ngân sách 2022 cho lĩnh vực việc làm đã tạo ra một động lực khá lớn. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 4,61% vào cuối năm 2021 xuống 3,7% vào tháng 7/2022.

Một kết quả lớn khác từ Ngân sách 2022 là lĩnh vực giáo dục vì Ngân sách 2022 đã rất chú ý đến lĩnh vực này. Trên thực tế, ngành giáo dục là lĩnh vực nhận được Ngân sách 2022 nhiều nhất, với 52,6 tỷ RM được phân bổ cho Bộ Giáo dục và 14,5 tỷ RM cho Bộ Giáo dục Đại học.

Một số điểm nổi bật đối với ngành giáo dục bao gồm quỹ chuẩn bị đi học giành cho phụ huynh trị giá 150 RM, 1 tỷ RM để cải tạo và sửa chữa trường học và 400 triệu RM cho Chương trình Thực phẩm Bổ sung (RMT). 6,6 tỷ RM khác cũng được phân bổ cho các sáng kiến và chương trình liên quan đến TVET (Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật và Dạy nghề).

Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả những chính sách này được đưa ra, có lẽ ngành giáo dục cần được phân bổ nhiều hơn trong Ngân sách 2023. Các báo cáo đã đưa ra cho biết một số trường đại học công lập ở Malaysia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chỗ ở cho sinh viên.

Nhận thức được thực tế là Malaysia vẫn đang quay cuồng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng nhận được một khoản ngân sách đáng kể, với 32,4 tỷ RM được phân bổ.

Số tiền 2 tỷ RM đã được sử dụng cho chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, như một phần trong nỗ lực đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận với vaccine. 1 tỷ RM khác cũng được phân bổ để giúp mua sắm trang thiết bị y tế và và các thiết bị khác.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cũng đã nhấn mạnh trước đó rằng chi tiêu cho y tế công của Malaysia chỉ bằng 2,59% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia, mặc dù đã được phân bổ thêm để chống lại đại dịch COVID-19 trong những năm gần đây. Ông cho biết, tiêu chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là từ 4% đến 5%.

Phản ánh mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng và bền vững, Ngân sách 2022 cũng đã công bố một loạt biện pháp giảm thuế, đồng thời mở rộng cơ sở thuế để đảm bảo rằng nền kinh tế vẫn phát triển bền vững.

Theo số liệu chính thức, 11,4% GDP Malaysia là doanh thu từ thuế vào tháng 3/2022, giảm mạnh so với hồi tháng 12/2021, tháng được ghi nhận là 16,3%.

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Ngân sách 2022 cũng thúc đẩy nhu cầu xây dựng hướng tới các doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Điều này có thể thấy ở các sáng kiến dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nhân.

Trong Ngân sách 2022, chính phủ đã phân bổ 40 tỷ RM cho Chương trình SemarakNiaga, một sáng kiến tài trợ nhằm giúp các doanh nghiệp mới. Ngân sách 2022 cũng phân bổ 14,2 tỷ RM để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và 10 tỷ RM cho các giới hạn bảo hành bổ sung.

Chính phủ cũng đưa ra chương trình tín dụng vi mô trong Ngân sách 2022. Sáng kiến này nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ duy trì hoạt động kinh doanh và từng bước nâng cao năng suất của họ. Điều này bao gồm chương trình tài chính vi mô và phi chính thức cho phép doanh nghiệp nhỏ thực hiện các khoản vay lên đến 10.000 RM hoặc 75.000 RM với lãi suất 0% từ ngân hàng.

Ngân sách năm 2023 sẽ như thế nào?

Nhìn chung, Ngân sách 2022 thể hiện nỗ lực và sự sẵn sàng của chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề của kinh tế Malaysia. Hy vọng rằng mức độ sẵn sàng đó cũng có thể được nhìn thấy trong Ngân sách 2023, khi Chính phủ Malaysia nỗ lực cải thiện nền kinh tế.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, chủ đề của Ngân sách 2023 là Tăng cường phục hồi, tạo điều kiện cải cách hướng tới khả năng phục hồi kinh tế xã hội bền vững của “Gia đình Malaysia”.

Một số điểm chính trong dự thảo ngân sách đã được Bộ Tài chính đưa ra trong những tháng gần đây bao gồm mở rộng cơ sở thuế, cung cấp các khoản trợ cấp bền vững, đặc biệt để giải quyết vấn đề giá hàng hóa và thực phẩm đang tăng cao, tăng cường các sáng kiến tự động hóa và số hóa cũng như hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường./.

>>>WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2022 lên 6,4%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục