Những lỗ hổng trong lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga

05:30' - 18/04/2022
BNEWS Viện nghiên cứu ISPI đã có bài phân tích về các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga, những nút mở và lỗ hổng mà Nga có thể sử dụng để lách lệnh trừng phạt, hoặc giảm thiệt hại cho nền kinh tế.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Nga là "chưa từng có". Đây là nhận định được đưa ra bởi rất nhiều người, từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho đến chính Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ở một vài khía cạnh, điều này là đúng. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này chắc chắn không phải là mạnh nhất có thể. 

Ngày 11/4, Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) đã có bài phân tích về mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga, những nút mở và lỗ hổng mà Nga có thể sử dụng để cố gắng lách các lệnh trừng phạt, hoặc giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế của họ.

* Chỉ 1/3 biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu quả          

Như lịch sử đã chứng minh, chỉ 1/3 số biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt trong lịch sử đã đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt không chỉ phụ thuộc vào mức độ mà còn phụ thuộc vào việc những biện pháp này có được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng đồng loạt hay không. 

Tuy nhiên, sau 7 tuần căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ, chỉ có 19% các quốc gia trên thế giới quyết định trừng phạt kinh tế đối với Nga. Tất nhiên, những quốc gia này đại diện cho phần lớn kinh tế thế giới và nhiều quốc gia trong số họ là đối tác kinh tế thiết yếu của Nga. Tuy nhiên, việc không có sự đồng thuận lớn khiến Nga có khả năng mở rộng quan hệ thương mại với những nước không tuân thủ lệnh trừng phạt.

Trong trường hợp không có các biện pháp trừng phạt thứ cấp (tức là những biện pháp trừng phạt có thể tác động đến chính những quốc gia không trừng phạt Nga quyết định làm ăn với nước này trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của các nước khác), Điện Kremlin có một biên độ cơ động đáng kể.

Vì vậy, các sản phẩm của Nga, mặc dù bị ảnh hưởng, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là thay đổi người mua. Ví dụ như dầu thô, trong năm 2021, 50% mặt hàng này của Nga được bán cho phương Tây (trong đó 49% được bán cho Liên minh châu Âu (EU) và 3% cho Mỹ). Hiện nay, con số này ít nhiều đã được chuyển hướng sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế "cổ điển" tập trung vào thương mại quốc tế, đặc biệt là những mục tiêu trừng phạt hướng tới xuất khẩu của một quốc gia nhằm mục đích làm giảm khả năng tự tài trợ của quốc gia đó. Do đó trong trường hợp của Nga, các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này nhằm mục đích kiềm chế các nguồn lực sẵn có của Điện Kremlin để chi trả cho việc thực hiện các chiến dịch quân sự đặc biệt.

Các biện pháp trừng phạt của EU, mà vòng thứ 5 mới nhất được thông qua ngày 8/4, quy định lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thép (thép và sắt) từ Nga, trong đó các mặt hàng khác như than đá (nhưng chỉ từ tháng 8/2022), gỗ, phân bón, thủy sản và rượu mạnh sẽ được bổ sung, với tổng giá trị khoảng 15 tỷ USD. Mặt khác, các lệnh cấm của Mỹ và Anh tập trung chủ yếu vào các sản phẩm năng lượng.

Tuy nhiên, cho đến nay, những nỗ lực chung của EU, Mỹ và Anh nhiều nhất mới chỉ khiến kim ngạch xuất khẩu của Nga giảm 7% so với thời điểm trước khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

Lý do khiến kim ngạch xuất khẩu của Nga giảm ít như vậy, một phần là do xuất khẩu của Nga trước đây sang phương Tây đã phần nào được chuyển hướng sang các nước khác. Ngoài ra, hơn một nửa số hàng xuất khẩu của Nga sang châu Âu là các sản phẩm năng lượng và EU cho đến nay mới quyết định chỉ cấm xuất khẩu than đá của Nga, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên vẫn nằm ngoài các lệnh trừng phạt.

* Doanh thu thậm chí còn… tăng

Trên thực tế, có những lo ngại chính đáng từ phía các chính phủ châu Âu và đặc biệt là các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hoặc khí đốt của Nga, về việc họ không thể tìm nguồn thay thế những sản phẩm này trong vòng vài tháng. Người ta chỉ cần xem xét việc Nga giảm 20-25% nguồn cung khí đốt tự nhiên cho EU là đủ để giá khí đốt giao ngay tăng vọt từ mức giá vốn đã cao gấp 5 lần so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Và sự thiếu hụt các lệnh trừng phạt của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tương ứng với nguồn thu khổng lồ cho Nga. Doanh thu của Nga thậm chí còn tăng so với một năm trước, với xuất khẩu dầu và khí đốt tăng mạnh từ chưa đến 10 tỷ euro trong tháng 3/2021 lên vượt mức 15 tỷ euro trong tháng 3/2022.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là gì? Đó là vì giá khí đốt đang tăng chóng mặt. Điều này cho phép Nga bù đắp (và hơn thế nữa) thiếu hụt doanh thu từ dầu mỏ. Trên thực tế, cái gọi là "tự trừng phạt" của các bên tư nhân đã được bổ sung vào lệnh trừng phạt chính thức trong tháng Ba vừa qua, khi nhiều công ty (chủ yếu là phương Tây) quyết định hạn chế nhập khẩu từ Nga ngay cả các sản phẩm không bị cấm, vì lo ngại lệnh trừng phạt bị thắt chặt hoặc lo ngại những căng thẳng địa chính trị sẽ thúc đẩy các ngân hàng ngừng phát hành thư tín dụng.

Tuy nhiên, ngay cả tác động này cũng có nguy cơ tiêu tan trong ngắn hạn. Nếu các chính phủ EU không thực hiện trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ, ngay cả những công ty hiện nay cố gắng tránh dầu mỏ của Nga, theo thời gian cũng có thể quay lại xem xét việc nhập khẩu mặt hàng này - cho dù do thực tế rằng hiện nay dầu mỏ Nga đang được bán trên thị trường với mức giá giảm mạnh (thấp hơn giá dầu thô Brent là khoảng 34 USD/thùng) chính xác là do nhu cầu của phương Tây giảm.

Các đồng minh phương Tây cũng đã đặt giới hạn về những gì Nga có thể nhập khẩu từ họ. Trong trường hợp này, mục tiêu sẽ tăng gấp ba lần, đánh vào các lĩnh vực mà Nga phụ thuộc nhiều nhất là công nghệ phương Tây (đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, nhằm làm suy giảm năng lực sản xuất trong tương lai), ngăn chặn việc nhập khẩu các công nghệ có thể sử dụng trong quân sự (được gọi là lưỡng dụng), hoặc gây áp lực lên các nhà tài phiệt ủng hộ chế độ Nga.

Rõ ràng, trong trường hợp này, lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng cụ thể đến những quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt, vì lệnh cấm vận đặt ra các giới hạn đối với các công ty xuất khẩu của họ. Và có lẽ cũng chính vì lý do này mà các lệnh trừng phạt này vẫn chỉ ở mức hạn chế theo tỷ lệ phần trăm, việc ngăn chặn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm xa xỉ sang Nga chỉ ảnh hưởng tối đa là 12% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Mặc dù vậy, nhập khẩu cũng có thể giảm một cách chủ động do hậu quả của suy thoái kinh tế dự kiến ở Nga và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cùng những bất ổn.

* 75% số công ty Trung Quốc đã quyết định ở lại Nga

Đối với sự hiện diện của các công ty tư nhân nước ngoài tại Nga, không có quốc gia nào trên thế giới đưa ra các lệnh cấm nghiêm ngặt. Một công ty có thể quyết định rời khỏi Nga vì những lý do chính trị hoặc đạo đức, chứ không phải vì lý do pháp lý.

Mặc dù vậy, bầu không khí phẫn nộ trước căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến gần 500 công ty nước ngoài rút lui, tuyên bố rút lui hoặc đình chỉ hoạt động tại Nga. Con số này chiếm khoảng 2/3 (63%) trong tổng số 773 công ty được Trường quản lý Yale khảo sát cho đến nay.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong số hơn 1/3 các công ty còn ở lại Nga, có 17% quyết định ở lại, 12% muốn có thêm thời gian trước khi quyết định và 8% chỉ cắt giảm hoạt động kinh doanh của họ. Hơn nữa, trong số những công ty đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, có khoảng 50% số công ty chỉ tạm ngừng sản xuất và chờ thời điểm tốt hơn để tiếp tục các hoạt động như đã được đặt ở chế độ chờ hôm nay.

Đặc biệt nổi bật là sự phân chia địa lý của các công ty quyết định ở lại Nga. Trên thực tế, 75% số công ty Trung Quốc đã quyết định ở lại, có thể là để tận dụng sự ra đi của các công ty phương Tây (ví dụ như việc Apple rút lui, nhưng Huawei không đi). Hầu hết các công ty quyết định ra đi là thuộc những quốc gia hầu hết đã quyết định gửi một tín hiệu rõ ràng đến Nga, chẳng hạn như Canada, Anh hoặc Mỹ.

Điều đáng ngạc nhiên là xếp ngay sau Trung Quốc về tỷ lệ số công ty không rời Nga là Pháp (68%) và Italy (64%), cao hơn đáng kể so với Đức (46%) và Anh (17%).

* Tránh được kịch bản vỡ nợ trong tương lai gần 

Đối với các lệnh trừng phạt mới nhất liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngoài việc loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống SWIFT, các lệnh trừng phạt cũng đã đóng băng nguồn dự trữ ngoại hối đang được giữ ở nước ngoài của Nga tại các quốc gia đã áp dụng lệnh trừng phạt như Mỹ, các nước thành viên EU, Anh và Nhật Bản. 

Chỉ phần dự trữ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (tương đương 83 tỷ USD) hoặc bằng đồng nội tệ của các quốc gia khác không trừng phạt Nga sẽ vẫn được "tự do", cũng như lượng vàng dự trữ ở Nga (133 tỷ USD). Nhưng câu hỏi đặt ra là đây có thực sự là nguồn dự trữ sẵn có duy nhất của Nga hay không?

Theo số liệu do Ngân hàng trung ương Nga (BoR) công bố, kể từ khi bắt đầu căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ, dự trữ ngoại hối của Nga đã giảm 39 tỷ USD, tương đương 6% tổng số. Mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ BoR sử dụng loại dự trữ nào (trong số các loại ngoại tệ khác nhau mà họ nắm giữ và vàng), nhưng rất có khả năng Nga đã bán hàng chục tỷ nhân dân tệ hoặc các đồng nội tệ không bị trừng phạt khác để đổi lấy đồng ruble.

Ngược lại, nhờ sự miễn trừ của Bộ Tài chính Mỹ, trong một tháng rưỡi đầu tiên kể từ khi căng thẳng bắt đầu, Nga đã có thể sử dụng dự trữ đồng USD, được cho là bị "đóng băng", để trả "lãi suất, cổ tức hoặc các khoản thanh toán gốc" liên quan đến các khoản nợ.

Nhờ cơ chế này, Điện Kremlin đã có thể thanh toán 5 khoản nợ công đáo hạn trong khoảng thời gian từ ngày 16/3 đến ngày 4/4, với tổng giá trị gần 3 tỷ USD, do đó tránh được tình trạng vỡ nợ. 

Hoặc ít nhất là họ đã tránh được điều đó cho đến ngày 5/4, khi Bộ Tài chính Mỹ quyết định lấp "lỗ hổng" này trong các lệnh trừng phạt bằng cách cấm Nga thanh toán các khoản nợ công bằng USD trong các ngân hàng Mỹ. 

Và do đó, đẩy Nga tiến tới giai đoạn đầu của vụ vỡ nợ kỹ thuật mà nhờ sự “vi phạm” của Mỹ, Nga đã tránh được trong một tháng rưỡi./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục