Những mâm cỗ Tết tràn hương vị OCOP

11:57' - 12/02/2021
BNEWS Sợi miến khi nấu giòn, dai sợi nhưng lại mềm, không nát. Nước nấu miến không bao giờ đục và cho hương vị riêng biệt.

Nếu như vài năm trở lại đây, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) còn là cụm từ xa lạ với nhiều người dân Lào Cai thì giờ đây các mặt hàng nông sản này đã dần trở thành lựa chọn ưu tiên của đồng bào các dân tộc địa phương cho mâm cơm ngày lễ, Tết.

Với tiêu chí: ngon, an toàn, chi phí hợp lý, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Lào Cai ngày càng được người dân trong tỉnh tin dùng, làm nên cái Tết mang hương vị "Tết OCOP".
Ẩm thực ngày Tết ở Lào Cai luôn là tổng hòa các nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn bản sắc các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Lào Cai không thể thiếu những món ăn truyền thống như: bánh chưng, thịt trâu/lợn sấy, lạp xường, canh măng miến...

Có điều, một vài năm trở lại đây, những món ăn truyền thống ấy chủ yếu là sản phẩm OCOP đã được bảo chứng về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Đó là bánh chưng đen dẻo thơm kết tinh văn hóa và giá trị ẩm thực độc đáo của dân tộc Tày, là thịt trâu gác bếp thơm ngon lạ miệng đượm mùi cay nồng của gia vị vùng cao Tây Bắc, là những sợi miến đao nguyên chất giòn dai, bổ dưỡng... Tất cả tạo nên một hương vị tết đậm bản sắc Lào Cai.
Khệ nệ xách trên tay một chục xâu bánh chưng đen được dán mác chứng nhận sản phẩm OCOP của Văn Bàn, bà Trần Thị Hạnh, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cho biết: “Gia đình tôi chọn loại bánh chưng đen này để thắp hương và ăn trong ngày tết vì nó luôn có màu sắc, hương vị riêng biệt so với những sản phẩm nơi khác, thời gian bảo quản được lâu hơn nhờ bí quyết gia truyền của người Tày ở Văn Bàn”.
Càng những ngày cận tết, chị Hoàng Thị Huế, ở tổ dân phố Mạ 2, thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn) càng phải tất bật chuẩn bị cho những chuyến hàng bánh chưng đen giao đến tay khách trong và ngoài tỉnh kịp tiến độ. Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm Bánh chưng đen của tổ hợp tác do chị Huế là chủ được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đó không chỉ là sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thị trường rộng mà còn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. 
Chị Huế cho biết, tổ hợp tác sản xuất trung bình khoảng 700-1.000 bánh/ngày, những ngày lễ tết như hiện tại cao điểm lên đến 2.000 - 3.000 bánh/ngày với giá bán 12.000 đồng/bánh cho bánh gù, 30.000 đồng/bánh dài và 50.000 đồng/bánh vuông.
Khác với miến đao của các địa phương khác, miến đao Thành Sơn của HTX Thành Sơn (xã Bản Xèo, Bát Xát) có 100% là bột đao riềng đỏ tự nhiên, quy trình chế biến theo phương pháp thủ công, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2017, sản phẩm Miến đao Thành Sơn đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam, giúp miến đao Thành Sơn tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
"Sợi miến khi nấu giòn, dai sợi nhưng lại mềm, không nát. Nước nấu miến không bao giờ đục và cho hương vị riêng biệt. Hơn nữa, sản phẩm được minh bạch qui trình sản xuất, chế biến có truy xuất nguồn gốc, nên dù miến đao Thành Sơn đắt hơn đôi chút so với nhiều loại miến trên thị trường, nhưng gia đình tôi cùng người thân sau khi đã ăn thử đều bị thuyết phục và luôn coi đây là thực phẩm không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày lễ, tết", chị Đào Thanh Dung vừa chia sẻ vừa thoăn thoắt lựa đồ tại Cửa hàng nông sản OCOP Lào Cai cơ sở 2 đóng tại thị xã Sa Pa.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Hợp tác xã miến đao Thành Sơn cho biết, riêng Tết này, 40 tấn miến đao đã được bán ra thị trường phục vụ nhu cầu sử dụng và biếu tặng của người dân trong và ngoài tỉnh Lào Cai, khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm OCOP địa phương.
77 sản phẩm OCOP Lào Cai hiện có đã và đang làm phong phú thêm sự lựa chọn của khách hàng khi sắm Tết, từ tương ớt Bản Mường, trà túi lọc Linh chi đến gạo Séng Cù Lương Sơn.... Với sự bảo chứng về chất lượng, sản phẩm OCOP vô cùng thích hợp khi dùng làm quà Tết biếu tặng.

Anh Nguyễn Minh Tú, thành phố Lào Cai cho biết: "Trước kia mua đồ tặng đối tác, khách hàng, bạn bè cứ băn khoăn nguồn gốc xuất xứ, rồi lo hàng giả, hàng nhái. Bây giờ rất nhanh chóng, cứ thấy dán nhãn mác chứng nhận OCOP là tôi chọn không phải lo lắng các vấn đề đó nữa".
Sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển sản phẩm và dịch vụ.

Qua kiểm tra các sản phẩm được chứng nhận và phỏng vấn các chủ thể về tình hình tiêu thụ sản phẩm, ông Chu Hoàng Nguyện, Giám đốc Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng các cơ sở sản xuất vẫn hoạt dộng bình thường, doanh thu tăng từ 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, cá biệt có doanh nghiệp tăng trưởng đến 50%.
Một số nhãn hiệu sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lào Cai hỗ trợ bảo hộ trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến mang lại sức cạnh tranh lớn trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao do chênh lệch giá bán sau khi có nhãn hiệu cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Như nhãn hiệu chứng nhận "Mận Bắc Hà" lợi nhuận thu được lên đến hàng chục tỷ đồng/năm (năm 2019 giá tăng trung bình 5.000 đồng/kg); nhãn hiệu tập thể su su Sa Pa thu lợi 14 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 2.000 đồng/kg)...
Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, rực rỡ sắc hồng thắm của hoa đào, cả gia đình sum vầy bên mâm cỗ với các món ăn truyền thống mang đậm hương vị Tết được chế biến từ đặc sản OCOP Lào Cai càng góp phần tăng thêm sự ấm cúng, gần gũi để cầu mong một năm mới tràn ngập niềm vui, sung túc./.

>>Chương trình OCOP làm thay đổi nhận thức trong đầu tư sản xuất, kinh doanh


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục