Những nhận định xung quanh cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên

05:30' - 07/08/2018
BNEWS Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận thấy có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không muốn thực hiện “lựa chọn chiến lược” trong việc đổi chác giữa vũ khí hạt nhân với lợi ích an ninh và kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TTXVN phát

Tờ The Hill mới đây đăng bài phân tích vấn đề Triều Tiên của chuyên gia Robert Manning thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định về những diễn biến xung quanh cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. 

Không như những nỗ lực ngoại giao trước đó trong phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thời điểm hiện nay rất khác biệt. 

Dù vẫn có cảm giác Triều Tiên không thật lòng nhưng họ đã thực hiện một số bước đi có ý nghĩa như dừng thử hạt nhân, tên lửa; phá hủy một cơ sở thử hạt nhân; phá hủy các phương tiện thử tên lửa đạn đạo; trao trả hài cốt lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Bình Nhưỡng cho rằng đó là những động thái thể hiện thiện chí, yêu cầu Mỹ tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và xây dựng “chế độ hòa bình” như đã đề cập trong Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. 

Vì vậy, khi D. Trump nói rằng ông “rất vui” vì sự hợp tác của Kim, Tổng thống Donald Trump đã có một điểm cộng. Tuy nhiên, hai vấn đề nền tảng cho một thỏa thuận thành công là cải tổ kinh tế và giải giáp vũ khí hạt nhân vẫn chưa được thực hiện.

Đến nay, Mỹ vẫn chưa rõ về ý định thực sự của Kim. Chế độ gia đình trị nhà họ Kim đã xác định tính hợp pháp của việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Họ thay đổi Hiến pháp để công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Triều Tiên cũng tuyên bố rằng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ đã hoàn thành. 

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Kim đã chuẩn bị để đạt được những lợi ích về kinh tế, an ninh trong đàm phán, qua đó thúc đẩy cải tổ nền kinh tế đổ nát và đem lại triển vọng thịnh vượng cho người dân. 

Tuy vậy, đến nay Kim vẫn chưa lần nào nói ra từ “cải tổ”, thậm chí chưa đưa ra quyết định cải tổ kinh tế nào từ thượng tầng ngoài việc thể hiện sự quan tâm tới cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc.

Có một cách đơn giản và không chịu nhiều phí tổn để thử nghiệm ý định của Kim. Nếu Kim nghiêm túc trong việc đưa nền kinh tế Triều Tiên hội nhập vào nền kinh tế khu vực thì Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc nên nói với Kim bắt đầu bước vào đàm phán với IMF, WB và WTO để xin gia nhập vào các thể chế kinh tế, tài chính thế giới này- một điều kiện cần thiết cho Bình Nhưỡng giành được các khoản đầu tư nước ngoài quy mô lớn và thiết lập quan hệ kinh tế với các nước khác. 

Hiện nay, thông tin về ngân sách và nguồn tài chính của Triều Tiên vẫn được coi là bí mật quốc gia. Do đó, đây sẽ là bước thử nghiệm quan trọng đối với tính nghiêm túc của Triều Tiên.

Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc có thể giúp Kim hiện đại hóa nền kinh tế bằng cách hỗ trợ đào tạo các ngành nghề như luật sư, kế toán, thợ máy… Đối với Mỹ, vấn đề logic đơn giản là Triều Tiên mở cửa bất kỳ điều gì cũng là một kết quả cùng thắng.

Tương tự như vậy, Mỹ cần thử xem quan điểm thực sự của Kim về “phi hạt nhân hóa” là thế nào- một câu hỏi đến nay mà Ngoại trưởng Pompeo vẫn chưa trả lời được. Tuy vậy, điều này không phải là khó khăn. 

Bước đầu tiên trong bất kỳ nỗ lực giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân nào của Triều Tiên là họ phải cung cấp cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) danh sách đầy đủ về vũ khí và cơ sở hạt nhân để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch thẩm tra, giám sát chương trình này. Nếu không có điều này thì mọi bước đi khác đều không có ý nghĩa.

Để công bằng, Mỹ cần đáp ứng các yêu cầu của Triều Tiên trong việc xây dựng các cơ chế hòa bình. Ví dụ như Mỹ có thể đề nghị khởi động lại cơ chế đàm phán 4 bên gồm những nước ký kết thỏa thuận đình chiến (Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc) để thương lượng cho sự kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên và tiến tới một hiệp ước hòa bình. 

Hiệp ước này cần đạt được ngay khi Bình Nhưỡng cung cấp cho IAEA bản danh sách cụ thể về chương trình hạt nhân của họ, qua đó tạo điều kiện cho IAEA thiết lập các cơ chế giám sát và thẩm tra toàn diện chương trình hạt nhân như kế hoạch được áp dụng cho Iran.

Nếu Triều Tiên không chấp nhận các đề xuất đó, tức là họ đang nói với chúng ta một điều rất quan trọng: thời điểm hiện nay hoàn toàn không khác so với thời điểm trước đây. Điều này có nghĩa là Triều Tiên đang sử dụng lại kế sách cũ để lừa và thao túng chúng ta.

Một vấn đề khác, do IAEA chỉ có thể thực hiện chức năng giám sát chương trình hạt nhân mà không thể giải giáp vũ khí hạt nhân hoặc vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân ra khỏi Triều Tiên. 

Vì vậy, Mỹ nên kêu gọi triệu tập một cuộc họp của các chuyên gia kỹ thuật cấp cao trong số 3 cường quốc có sở hữu vũ khí hạt nhân liên quan lợi ích ở Đông Bắc Á gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga để bắt đầu thảo luận cách thức giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên trên thực tế, từ việc tháo dỡ các vũ khí hạt nhân đến việc chuyển các nguyên liệu hạt nhân ra khỏi Bình Nhưỡng.

Cuối cùng, Mỹ cần thể hiện thiện chí như mời đội biểu diễn nghệ thuật ưa thích của Kim là Moranbong tới trình diễn tại Trung tâm Kenedy (trung tâm biểu diễn nhạc hội tại thủ đô Washington D.C) hoặc mời các đội bóng đá cả nam và nữ của Triều Tiên tới giao lưu cùng các đội bóng đá của Mỹ. Đây có lẽ sẽ là phiên bản mới của “ngoại giao bóng bàn”.

Những hành động như vậy sẽ cho phép Mỹ kiểm soát những tác động nguy hiểm cũng như hạn chế rủi ro trong các nỗ lực ngoại giao trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phản ứng của Kim đối với từng động thái như vậy sẽ giúp chúng ta đánh giá rõ ý định thực sự của Kim là gì./.

          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục