Những tài nguyên chiến lược của Mỹ Latinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

06:03' - 27/06/2019
BNEWS Một nhật báo đại diện cho phái bảo thủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo "sản lượng đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát huyết mạch của lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ".
Đằng sau cuộc chiến chống Huawei là quyền kiểm soát một công nghệ bạc tỷ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngay sau tuyên bố của Google về việc hạn chế các dịch vụ trên điện thoại di động Huawei, thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một doanh nghiệp khai thác đất hiếm ở phía Nam Trung Quốc đã xuất hiện. 

Một nhật báo đại diện cho phái bảo thủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo "sản lượng đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát huyết mạch của lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ".

Chương đoạn này trong khái niệm gọi là "chiến tranh thương mại" đã phơi bày một vấn đề địa chính trị then chốt: Sự phụ thuộc của Mỹ vào tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Do đó, trước đe dọa về sự đứt đoạn nguồn cung các khoáng sản này từ Trung Quốc, có thể dự báo một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn của các thành phần cả công lẫn tư của Mỹ để tiếp cận và kiểm soát các nguồn dự trữ của Mỹ Latinh và Caribe.

* Vai trò của khoáng sản nguy cấp đối với kinh tế Mỹ…

Một khoáng sản nguy cấp, theo định nghĩa của Chính phủ Mỹ, có các yếu tố: (I) một khoáng sản không nhiên liệu hoặc một vật chất khoáng sản thiết yếu đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ, (II) dây chuyền cung ứng của khoáng sản này dễ bị tổn thương hay ngắt quãng, và (III) có chức năng thiết yếu trong sản xuất một sản phẩm nhất định, mà sự thiếu hụt của nó sẽ có hệ quả đáng kể đối với nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia Mỹ. 

Việc ngắt quãng nguồn cung có thể xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có thiên tai, xung đột lao động, tranh cãi thương mại, độc quyền của một quốc gia khác đối với tài nguyên.

Báo cáo Tóm tắt tài nguyên khoáng sản 2019 (Mineral Commodity Summaries 2019) do Bộ Nội vụ và Cơ quan Địa chất Mỹ biên soạn cho biết, tác động của 35 loại khoáng sản (hoặc nhóm vật chất khoáng sản) nguy cấp đối với nền kinh tế Mỹ trong năm 2018 đạt giá trị ước tính lên tới 3.020 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP của Mỹ. 

Văn bản này cũng cho thấy tầm quan trọng của các nguồn dự trữ khoáng sản Trung Quốc và Mỹ Latinh trong bức tranh trữ lượng toàn cầu của một số khoáng sản mà Washington đánh giá là nguy cấp. Đối với trường hợp của đất hiếm: tổng trữ lượng toàn cầu ước tính khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc chiếm 37% (trên 44 triệu tấn) và Brazil 18% (khoảng 22 triệu tấn).       

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng sản nổi bật với đặc tính chứa từ trường và khả năng dẫn điện tốt, do đó nó có vai trò thiết yếu trong sản xuất một số sản phẩm điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, pin và ắc quy, xe hơi điện, thiết bị y tế và trang thiết bị quân sự.

Chúng được định nghĩa là "hiếm" không hẳn vì ít ỏi về số lượng mà do khó có thể tìm thấy chúng trong trạng thái tinh chất.

Hiện Mỹ nhập khẩu khoảng 80% kim loại đất hiếm từ Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về trữ lượng đã qua kiểm chứng. Cho tới nay, hoạt động nhập khẩu các khoáng sản này nằm ngoài các mức thuế suất mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tới nay, Bắc Kinh vẫn thống trị hoạt động cung ứng cấp độ toàn cầu các khoáng sản đất hiếm và bất kỳ sự thay đổi nào trong hoạt động xuất khẩu của họ sẽ tạo ra những trồi sụt về giá cả trên toàn cầu.

Năm 2015, doanh nghiệp Mountain Pass (thuộc sở hữu của tập đoàn Molycorp) với mỏ đất hiếm và dây chuyền chế biến duy nhất tại Mỹ tuyên bố phá sản và tháng 6/2018, công ty này được nhượng lại cho Shenghe Resources, một tập đoàn do các doanh nhân Trung Quốc lãnh đạo.

Ngoài Trung Quốc, trữ lượng đất hiếm đáng kể nhất được tìm thấy cho tới nay nằm tại Brazil. Hiện tại, dù nắm giữ trữ lượng lớn thứ hai toàn cầu, quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này mới chỉ góp khoảng 1% sản lượng khai thác toàn cầu. 

Năm 2011, với Kế hoạch Khai mỏ Quốc gia tới năm 2030, Chính phủ Brazil đã coi đất hiếm có vị thế khoáng sản chiến lược do nhu cầu sử dụng tăng cao trong các công nghệ mới, bên cạnh các khoáng sản quan trọng như kali hay lưu huỳnh, và sắt - nguồn thu ngoại tệ lớn của "xứ sở Samba".

Với bước xoay trục chính trị của Brazil trong chính quyền hiện tại - từ một tiểu cường quốc với tham vọng trở thành một tác nhân then chốt trong địa chính trị toàn cầu trở thành một nước thần phục Mỹ - những người lo ngại về một cuộc tấn công tiềm năng của khối công - tư Mỹ vào các nguồn dự trữ khoáng sản đất hiếm của Brasil là hoàn toàn có cơ sở.

 * … và đối với sức mạnh quân sự của nền kinh tế lớn nhất thế giới…

Liên quan tới sức mạnh quân sự của Mỹ, sự phụ thuộc vào các tài nguyên này cho việc duy trì cơ sở công nghiệp quốc phòng được coi là vấn đề trọng yếu của an ninh quốc gia. Điều này được chỉ ra trong báo cáo mang tên "Báo cáo về đánh giá và củng cố cơ sở công nghiệp chế tạo, phòng thủ và khả năng phục hồi dây chuyền cung ứng của Mỹ". 

Văn bản được một nhóm làm việc liên ngành trong Chính phủ Mỹ soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc là một rủi ro đáng kể và đang gia tăng trong việc cung ứng các nguyên liệu được coi là chiến lược và nguy cấp đối với an ninh quốc gia của Mỹ, do quốc gia châu Á này có nguồn cung cấp duy nhất hoặc chính yếu một loạt các nguyên liệu sử dụng trong công nghiệp quốc phòng. Trong nhiều trường hợp, theo báo cáo, không có các nguồn cung ứng hay nguyên liệu thay thế trực tiếp.

Đặc biệt liên quan tới vấn đề đất hiếm – nguyên liệu cơ bản cho laser, radar, hệ thống quan sát ban đêm, dẫn đường tên lửa, động cơ phản lực và xe bọc thép – văn bản khẳng định quyền thống trị về cung ứng đất hiếm của Trung Quốc minh họa một "mối quan hệ tiềm ẩn nguy hiểm giữa sự xâm lần kinh tế do các chính sách công nghiệp chiến lược của Trung Quốc và những điểm yếu cũng như chênh lệch trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ". 

Theo lập luận đó, văn bản cảnh báo về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại các nước đang phát triển để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên và quyền tiếp cận thị trường, đặc biệt tại châu Phi và Mỹ Latinh, chính là một sự đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

 * Mỹ Latinh - điểm tựa cơ bản của Washington

Trong khi đó, nhiều báo cáo và phân tích quốc tế đã chỉ ra rằng thép và nhôm không phải là vấn đề nghiêm trọng ở Mỹ, và đây là lý do khiến Washington áp thuế suất lên 2 mặt hàng kim loại này. Từ tháng 2/2018, Bộ Thương mại Mỹ công bố một số báo cáo về hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thép và  nhôm đã cán và chưa cán. 

Mục tiêu chính của các thuế suất mới hiện tại là nâng sản lượng thép của Mỹ từ 73% lên 80% mức tiêu thụ và sản lượng nhôm từ 48% lên 80%, hướng tới "tính khả thi" của nền công nghiệp quốc gia Mỹ về dài hạn.

 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế cụ thể được coi là then chốt như khoáng sản "hiếm", thép, nhôm và mới nhất là các biện pháp trừng phạt Huawei. Đằng sau cuộc chiến chống Huawei là quyền kiểm soát một công nghệ bạc tỷ: thiết lập mạng lưới thông tin 5G.

Tính dễ bị tổn thương của Mỹ đối với các một số khoáng sản nhất định làm giảm bớt lợi thế của nước này trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Do đó, Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil, sẽ có vai trò cốt lõi trong việc thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Mexico, Canada và Brazil cũng có vị thế then chốt đối với nền công nghiệp luyện kim của Mỹ. Mới đây, Mỹ đã xóa bỏ thuế suất với thép và nhôm từ Mexico và Canada, qua đó sẽ biến khu vực Bắc Mỹ thành điểm tựa cơ bản của Washington trong thời điểm bá quyền của Mỹ đang bị một số cường quốc khác thách thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục