Trung Quốc trong sự thay đổi về cấu trúc kinh tế Mỹ Latinh (Phần 1)

06:00' - 11/05/2019
BNEWS Cùng với quá trình phát triển quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, đã có nhiều nghiên cứu và tranh luận về tác động từ hoạt động thu mua hàng hóa nguyên liệu của Bắc Kinh tại khu vực.
Đồng 100 Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nghiên cứu này hầu như nhất trí rằng sự mở rộng quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh được định hình theo tổng thể và từ một hệ thống quốc tế vô cùng phức tạp, trong khi sự mở rộng đó vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức cho các nước trong khu vực.
Phần lớn cơ chế tích lũy quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với Mỹ Latinh chỉ tập trung vào một số nước và một nhóm lĩnh vực rất hạn chế, làm sâu sắc thêm mô hình hội nhập ít giá trị thặng dư hiện tại. Điều này cho thấy khó có thể trông chờ một sự thay đổi về cơ cấu kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cuộc cạnh tranh giành bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở ra những cơ hội cũng như một số lợi ích kinh tế có thể chuyển hóa thành những tiến bộ xã hội, tùy theo chính sách mà mỗi quốc gia áp dụng.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo những chuyển biến lớn về cơ chế vận động tư bản vào đầu thế kỷ mới. “Công xưởng của thế giới”, với mức tăng trưởng hơn 10% trong suốt 30 năm, đã liên tục tăng bậc trong sắp xếp thứ hạng quốc tế, trong khi Mỹ vẫn đứng ở vị thế của “người tiêu dùng cuối cùng”. 
Trong giai đoạn này, Trung Quốc khẳng định vai trò như nhà sản xuất lớn nhất thế giới đồng thời là một thị trường tiêu thụ lớn các máy móc và công cụ từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các mặt hàng nguyên liệu từ các nước phương Nam. Xu hướng này, cùng với chính sách lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã giúp các nền kinh tế Mỹ Latinh đưa tốc độ tăng trưởng lên cao hơn so với những năm 1980 và 1990 nhờ quan hệ ngoại thương với Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc càng khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu. Ngoài ra, việc sản xuất nguyên liệu tại Trung Quốc còn vấp phải nhiều vấn đề cơ bản, cản trở việc tạo ra một mức tăng "bước ngoặt" về nguồn cung nội địa: các mỏ dầu khí lớn nhất đã “già” và sản lượng suy giảm, hoạt động khai thác và xử lý quặng sắt và bauxite có chi phí cao, tỷ lệ trữ lượng/sản lượng hiện ở mức thấp với nhiều khoáng sản quan trọng như đồng chỉ đủ cho 17 năm, mangan (15 năm), chì (7 năm) và kẽm (8 năm), cùng một số kim loại khác. Về đậu tương, chính sách an ninh lương thực của Bắc Kinh ưu tiên sản xuất ngũ cốc hơn là trồng loại cây lấy dầu này.
Giá trị xuất khẩu từ Brazil và Chile sang Trung Quốc đã chiếm 2/3 giá trị thương mại của cả khu vực này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nếu tính cả Peru, Venezuela, Argentina và Mexico, trao đổi thương mại nhóm nước này với Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị thương mại Trung Quốc - Mỹ Latinh. Có thể nói 6 quốc gia này nhận phần lớn tác động của quá trình Trung Quốc nổi lên đối với khu vực. 
Brazil là ngoại lệ duy nhất của quy luật này, khi họ có tới 2 mặt hàng xuất khẩu khá mạnh sang Trung Quốc là đậu tương và quặng sắt. Trong khi đó, Argentina xuất khẩu đậu tương, Chile và Peru xuất đồng tinh luyện, còn Venezuela bán dầu thô. Cơ chế vận động theo hướng gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc bao hàm một sự phụ thuộc lớn hơn vào thị trường này. Trường hợp Chile là điển hình nhất, với 1/4 thu nhập xuất khẩu là từ Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng chiếm 15-20% giá trị xuất khẩu của Peru, Brazil và Venezuela. 
Những con số này dẫn tới 2 kết luận quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò như một trong những đối tác thương mại chính. Thứ hai, khu vực Mỹ Latinh ngày càng hội nhập sâu vào các cơ chế “truyền tải” tăng trưởng Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc không quá coi trọng thị trường Mỹ Latinh, vì thặng dư thương mại các sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cao gấp bốn lần thặng dư đạt được với Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Mỹ Latinh từ Trung Quốc cũng tăng đáng kể, đặc biệt khi Bắc Kinh ngày càng củng cố được vai trò nhà chế tạo cấp toàn cầu. Các nhà kinh tế Durán Lima và Pellandra đã chỉ ra trong nghiên cứu năm 2017 của mình rằng, tại Mỹ Latinh chỉ có Brazil, Chile và Venezuela đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc. 
Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mexico với Trung Quốc chiếm tới 2/3 tổng thâm hụt của cả Mỹ Latinh và Caribe với Trung Quốc. Đây là "kết quả" của chiến lược thúc đẩy lĩnh vực lắp ráp tại Mexico, theo đó nước này nhập một phần đáng kể các linh kiện từ “công xưởng của thế giới” sau đó lắp ráp và tái xuất sang thị trường Mỹ. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục