Những thương vụ sáp nhập đình đám thế giới (Phần 1)

05:30' - 12/02/2019
BNEWS Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ về giá trị các thương vụ sáp nhập và mua cổ phần doanh nghiệp (M&A) trên toàn cầu, dù số lượng các thỏa thuận đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Trụ sở hãng Takeda ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo thống kê mới công bố của Mergermarket - công ty nghiên cứu dữ liệu M&A, giá trị của các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 3.530 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Như vậy, năm 2018 trở thành năm có giá trị thỏa thuận M&A lớn thứ 3 trong hồ sơ dữ liệu của Mergermarket kể từ năm 2001.
Báo cáo của Mergermarket cho thấy, trong năm 2018 có đến 36 thương vụ M&A với giá trị siêu lớn (trên 10 tỷ USD), tăng 6 vụ so với năm 2017.
Các công ty thường quan tâm đến hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp khi suy tính tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh hay nhu cầu tăng giá trị vốn chủ sở hữu. Khi đứng trước áp lực cạnh tranh với các đối thủ khác, họ thường có xu hướng ganh đua để thâu tóm được công ty đáng giá nhất, đẩy giá trị các thương vụ lên cao.
Người khổng lồ trong ngành truyền hình cáp của Mỹ là Comcast đã vượt qua hãng Twenty-First Century Fox của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch để giành quyền mua lại hãng Sky Plc (Anh) với giá 51,5 tỷ USD trong một cuộc đấu giá đầy kịch tính. 
Việc đưa ra mức giá nhiều hơn đáng kể so với đề xuất ban đầu để mua lại kênh Sky sẽ giúp cho Comcast, có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ) trở thành nhà cung cấp truyền hình trả tiền lớn nhất thế giới với khoảng 52 triệu thuê bao.
Một thương vụ đình đám khác có thể kể đến việc hãng sản xuất dược phẩm Nhật Bản Takeda đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ Shire của Ireland với giá 79,7 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay mà một công ty Nhật Bản thực hiện. 
Với việc mua lại đối thủ Shire, có trụ sở tại Dublin, Takeda có tham vọng trở thành tập đoàn dược phẩm lớn thứ 9 thế giới với tổng doanh thu của hai công ty lên tới 24,8 tỷ USD.
Thị trường viễn thông Mỹ trong năm 2018 cũng chứng kiến một thoả thuận sáp nhập lớn khi nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông lớn thứ 3 là T-Moblie USA Inc và Sprint Corporation - nhà cung cấp lớn thứ 4 trên thị trường - đã đồng ý về "chung nhà" theo một thỏa thuận trị giá lên tới 60,8 tỷ USD.
Mergermarket cũng chỉ ra rằng, với sự sẵn có liên tục của vốn vay giá rẻ nhờ lãi suất thấp trong giai đoạn hậu khủng hoảng mà các công ty có được nguồn tài chính cần thiết để tài trợ cho các thương vụ M&A, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Các lĩnh vực nổi bật trong làn sóng M&A năm 2018 là năng lượng, khai khoáng và dịch vụ công cộng (điện, nước, khí đốt), với giá trị các thương vụ đạt 673 tỷ USD. Bên cạnh đó, các vụ thâu tóm trong ngành xây dựng cũng ghi nhận giá trị cao nhất trong thập kỷ qua là 116,5 tỷ USD, chủ yếu được thúc đẩy nhờ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cổ phần tư nhân và đấu thầu cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, năm 2018 cũng chứng kiến số lượng các thỏa thuận M&A giảm, lần đầu tiên kể từ năm 2010, xuống còn 19.232 vụ, sau khi đã tăng đều trong gần một thập kỷ.
Theo Mergermarket, với rất nhiều yếu tố biến động trong năm 2018, tồn tại “mâu thuẫn” trong hoạt động M&A trên quy mô toàn cầu cũng là điều dễ hiểu. Căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gia tăng, cùng với việc siết chặt các quy định pháp lý đã khiến số vụ M&A giảm trong năm 2018, nhưng giá trị vẫn khá cao.       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục