Những tia sáng mới của kinh tế Angola dưới thời Tổng thống Lourenco

06:00' - 19/06/2019
BNEWS Tình hình chính trị, kinh tế xã hội Angola dưới thời Tổng thống Joao Lourenco cho thấy những tín hiệu ban đầu tương đối tích cực, nhưng đó vẫn là sự lạc quan thận trọng.
Tổng thống Joao Lourenco phát biểu trong chiến dịch vận động bầu cử ở Dala ngày 5/4. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà hoạt động người Angola Rafael Marques de Morais được biết đến với những nỗ lực không ngừng nhằm bóc trần các hành vi tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ cựu Tổng thống Dos Santos. Ngay sau khi lên nắm quyền tổng thống vào tháng 9/2017, ông Joao Lourenco đã mời ông Marques đến gặp gỡ tại Phủ Tổng thống. 

Trong bài viết đăng trên trang mạng dailymaverick.co.za, chuyên gia tư vấn tại Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh Nam Phi Peter Fabricius cho rằng đây là một trong số sự việc minh họa về những thay đổi được Tổng thống Lourenco thực hiện trong 2 năm qua, kể từ khi thay thế người tiền nhiệm Jose Eduardo dos Santos - một trong những người thủ cựu chính trị ở châu Phi với 38 năm cầm quyền đầy tham nhũng và độc đoán.

Việc tân Tổng thống Lourenco nhanh chóng loại Isabel dos Santos - người con gái cực kỳ giàu có của người tiền nhiệm - khỏi vị trí đứng đầu Công ty dầu mỏ nhà nước Sonangol và Jose Filomeno, con trai của ông Jose Eduardo dos Santos, khỏi vị trí lãnh đạo Quỹ đầu tư quốc gia (SWF) đã nhận được sự ủng hộ đáng kể. Ông Lourenco đã và đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đưa ra truy tố các tham quan và thu hồi hàng triệu USD trả lại ngân quỹ.

Tổng thống Lourenco đã đưa ra một loạt cải cách kinh tế vĩ mô, có thể với sự giúp sức của đệ nhất phu nhân Ana Afonso Dias - cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là những cải cách mà người đứng đầu Chính phủ Angola buộc phải tiến hành kể từ khi giá dầu giảm sâu vào năm 2015, gây áp lực lên ngân sách và nợ công của nước này vốn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu từ dầu mỏ.

Ngay cả khi giá dầu thế giới phục hồi, Angola cũng cần đa dạng hóa nền kinh tế vì sản lượng dầu thô giảm dần và được dự đoán sẽ giảm sâu hơn nữa, từ 1,6 triệu thùng/ngày năm 2018 xuống còn 0,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028.

Một trong những cải cách quan trọng của ông Lourenco là minh bạch hóa quá trình bán nhượng dầu thô mờ ám trước đây. Ông đã tái khởi động ngành công nghiệp dầu mỏ trì trệ của nước này thông qua tổ chức thành công hội nghị lớn về dầu khí từ ngày 4-6/6/2019.

Những cải cách kinh tế khác bao gồm xóa bỏ việc neo đồng nội tệ kwanza với đồng USD để giảm bớt áp lực đối với dự trữ ngoại hối; yêu cầu ngân hàng trung ương bán đấu giá USD cho mọi khách hàng có nhu cầu thay vì chỉ dành riêng cho một số ít chủ thể như trước đó; xây dựng kế hoạch tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước; và thắt chặt quy định đối với các ngân hàng vốn trước đây chỉ dành ưu tiên chính cho lợi ích của cựu Tổng thống Jose Eduardo dos Santos và những người thân hữu.

Tháng 12/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê chuẩn cho chính phủ của Tổng thống Lourenco khoản vay 3,7 tỷ USD nhằm thúc đẩy những cải cách tiếp theo. Đổi lại, Angola cam kết cắt giảm chi phí để giảm nợ; tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái để tăng cường khả năng cạnh tranh; giảm lạm phát; và tăng doanh thu phi dầu mỏ thông qua áp dụng thuế giá trị gia tăng, loại bỏ trợ cấp và xóa nợ trong nước quá hạn.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn còn hoài nghi về sự nghiêm túc trong thực hiện cải cách của Tổng thống Lourenco. Liệu có phải ông Lourenco chỉ sử dụng chiêu trò để loại bỏ kẻ thù với cáo buộc liên quan đến tham nhũng và thực hiện các động thái cải cách kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài?

Gần đây, tờ The Economist đã lưu ý rằng ông Lourenco có vẻ không giống như một nhà cải cách chính trị. Ông đã phản đối những kêu gọi thay đổi hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống, bổ nhiệm những người trung thành thay vì những người có tư duy độc lập vào các vị trí chủ chốt của quân đội, các cơ quan an ninh và không mấy mặn mà trong nỗ lực thúc đẩy sự độc lập của hệ thống tòa án.

Tiến sĩ về nhân chủng học chính trị Jon Schubert thuộc Đại học Brunel, London và là tác giả cuốn “Hệ thống vận hành: Dân tộc học chính trị của nước Angola mới” đánh giá những cải cách của Tổng thống Lourenco là một túi hỗn hợp đa năng, bởi ông “đang cố gắng làm điều đúng đắn ở nhiều cấp độ, đặc biệt việc trấn an các nhà đầu tư nước ngoài và hợp tác chặt chẽ với IMF là một thành công lớn.”

Theo Tiến sĩ Jon Schubert, cuộc chiến chống tham nhũng đã khiến Tổng thống Lourenco trở nên nổi tiếng - nhưng vấn đề là cho đến nay, các cải cách kinh tế chưa có tác động đáng kể và các công thức do IMF đưa ra sẽ tác động mạnh nhất đến tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp hơn - chẳng hạn như việc áp dụng thuế VAT vào tháng Bảy tới. Ngoài ra, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và sự mất giá của đồng nội tệ kwanza.

Giống như các nhà phân tích khác, Tiến sĩ Schubert nghi ngờ về việc Tổng thống Lourenco bổ nhiệm cựu Phó Tổng thống dưới thời ông Jose Eduardo dos Santos và người đứng đầu Công ty dầu khí quốc gia Sonangol Manuel Vicente, bất chấp việc ông Vicente bị cáo buộc dính líu đến tham nhũng. Điều này cho thấy tiếng nói của những cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới quyền lực trước đây vẫn còn ảnh hưởng lớn.

Justin Pearce, nhà khoa học chính trị của Đại học Cambridge và chuyên gia về Angola, cũng có những đánh giá tương tự về những cải cách của Tổng thống Lourenco. Nhờ có sự tập trung hóa quyền lực dưới thời cựu Tổng thống Jose Eduardo dos Santos, ông Lourenco đã và đang thực hiện được rất nhiều việc một cách nhanh chóng bởi Tổng thống có vị trí ở nhiều tầng nấc quyền lực. 

Nhà nghiên cứu Pearce cũng chỉ ra rằng quyền lực này được cá nhân hóa dựa trên hình tượng của ông Jose Eduardo dos Santos, chứ không phải được thể chế hóa và được vận hành thông qua hệ thống phân cấp không chính thức dựa trên lòng trung thành cá nhân, một số đặc điểm này vẫn có sự tiếp nối.

Nhiều nhà quan sát cũng nghi ngờ về việc sa thải Carlos Saturnino – người kế nhiệm bà Isabel dos Santos ở vị trí đứng đầu Sonangol, cho rằng đây là một động thái chính trị, mặc dù lý do sa thải ông Saturnino là do sự thiếu hụt nhiên liệu kinh niên. Vì sự mơ hồ như vậy, nhà nghiên cứu Justin Pearce của Đại học Cambridge cảnh báo rằng khó có thể loại trừ khả năng trong tương lai, Tổng thống Lourenco có thể áp dụng những biện pháp độc đoán hơn nếu ông cảm thấy cần thiết.

Chúng ta đã thấy quá nhiều khởi đầu đầy hứa hẹn ở châu Phi và sự lạc quan một cách thái quá, nhưng lại có kết thúc tồi tệ. Nhưng dù sao cảm giác lạc quan thận trọng và sự minh bạch, cởi mở hơn nhiều đang thấy rõ trong không khí của Luanda. Cho đến nay, ít nhất, Tổng thống Lourenco dường như đang đi đúng hướng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục