Những trở ngại của “tứ tiểu long” thương mại điện tử Trung Quốc

05:30' - 31/10/2024
BNEWS Nền tảng thương mại điện tử Temu đã có mặt tại 82 thị trường, với doanh thu đạt 20 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng này đang gặp khó khăn tại một số nước.

Theo trang “Liên hợp Buổi sáng”, Temu, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc sở hữu của Tập đoàn Pinduoduo, cùng với Shein, AliExpress của Alibaba và TikTok Shop của ByteDance, được mệnh danh là “4 con rồng nhỏ” của thương mại điện tử Trung Quốc.

Nhờ ưu thế giá rẻ, nhiều lựa chọn, khả năng giao hàng nhanh chóng…, “4 con rồng nhỏ” này đã tích cực mở rộng ra thị trường nước ngoài trong hai năm qua, tạo ra làn sóng mua sắm trực tuyến trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, các nền tảng này đang đối mặt với trở ngại ngày càng tăng. Nổi bật là Temu – nền tảng đang mở rộng nhanh chóng - vừa bị Indonesia, thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, “từ chối”.   

“4 con rồng nhỏ”

Ra mắt cách đây hai năm, Temu đã có mặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu đạt 20 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của Temu đã gặp khó khăn tại Indonesia. Các quan chức Indonesia cho rằng mô hình kinh doanh giá thấp của Temu cho phép các công ty nước ngoài hạ giá bằng cách loại bỏ những đại lý và người vận chuyển. Điều này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế đất nước.

 
Không chỉ Indonesia, Temu và các nền tảng thương mại điện tử khác còn gặp phải sự phản đối ở nhiều thị trường quốc tế khác trong thời gian gần đây. Vào tháng Chín, Chính phủ Mỹ thông báo đang tìm kiếm những biện pháp mới nhằm hạn chế các công ty thương mại điện tử Trung Quốc lạm dụng hệ thống miễn thuế đối với hàng giá trị thấp và gửi số lượng lớn hàng hóa giá rẻ vào Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch áp dụng thuế hàng hóa giá rẻ đối với Temu và Shein. Thái Lan hồi tháng 7/2024 cũng tuyên bố sẽ áp thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những ngành trọng điểm được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX hồi tháng Bảy vừa qua đã đề cập đến việc cần tăng cường các biện pháp cải cách hệ thống ngoại thương, bao gồm thúc đẩy bố trí những khu thí điểm toàn diện về thương mại điện tử xuyên biên giới và ở nước ngoài. Tuy nhiên, các công ty thương mại điện tử này đang phải đối mặt với những trở ngại khi vươn ra thế giới và có những yếu tố kinh tế và chính trị chồng chéo đằng sau.

Trong cuộc phỏng vấn với “Liên hợp buổi Sáng”, Viện trưởng Học viện tài chính Lee & Pei Pei Sai Fan, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, những trở ngại đối với Temu ở thị trường Mỹ và châu Âu không thể tách rời khỏi sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.

Ông Pei Sai Fan lấy ví dụ rằng các nước châu Âu và Mỹ đặc biệt lo lắng về các vấn đề an ninh mạng, chẳng hạn như liệu ứng dụng di động có thể được sử dụng để giám sát hay không.

Trong khi đó, Indonesia và Thái Lan cũng dựng rào cản với “4 con rồng nhỏ” thương mại điện tử Trung Quốc để bảo vệ các công ty địa phương. Ông Pei Sai Fan cho rằng các quy định thương mại của Indonesia ban đầu yêu cầu phải có người trung gian hoặc người bán buôn giữa nhà máy và người tiêu dùng và mô hình kinh doanh của Temu đã chưa tuân thủ quy định này.

Tuy nhiên, mô hình bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng mới là chìa khóa mang lại bước đột phá của Temu. Thông qua "mô hình lưu ký toàn phần", người bán chỉ cần cung cấp hàng hóa và nền tảng chịu trách nhiệm bán hàng, vận hành, hậu cần…, giúp giảm đáng kể chi phí và giá bán. Các sản phẩm được liệt kê trên Temu cũng sẽ trải qua quá trình xác minh giá để đảm bảo giá vẫn ở mức thấp.

Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Momentum Works, Li Jianggan, cho biết một trong những lý do khiến các công ty thương mại điện tử Trung Quốc gặp trở ngại khi ra nước ngoài là họ thực sự quá cạnh tranh và nếu việc này được thực hiện một cách hời hợt thì sẽ không thành công. Giám đốc Li Jianggan là người có nhiều năm nghiên cứu ngành thương mại điện tử của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Giám đốc Li Jianggan cũng quan sát thấy trong những lần tiếp xúc gần đây với cộng đồng thương mại điện tử rằng các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang xem xét lại chiến lược giá thấp của mình.

Ông Li Jianggan cho biết nửa năm trước JD.com và Alibaba đã cạnh tranh nhau về giá thấp, nhưng xu hướng này đã thay đổi trong thời gian gần đây và ngày càng nhiều công ty thương mại điện tử bắt đầu tìm cách phục vụ khách hàng tốt hơn hoặc phát triển các ưu thế khác.

Theo Cố vấn Zuo Xiaolei của Diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc gồm 50 thành viên, chiến lược giá cực thấp và giảm giá được một số công ty thương mại điện tử áp dụng là phương thức cạnh tranh không tốt, giúp mở rộng thị trường tiêu dùng nhưng lại bóp nghẹt lợi nhuận và tiền lương của doanh nghiệp cũng như người lao động trong chuỗi cung ứng. Bà Zuo Xiaolei cho rằng có thể cần phải có áp lực từ một thị trường khổng lồ như Indonesia để thúc đẩy các công ty thương mại điện tử xem xét lại mô hình kinh doanh của mình.

Viện trưởng Pei Sai Fan cho rằng việc Temu bị thị trường Indonesia từ chối là bài học cho các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, nhắc nhở họ phải tôn trọng luật pháp và quy định thị trường địa phương khi ra nước ngoài.

Dư địa trước rào cản

Bất chấp những trở ngại có thể xảy ra ở một số thị trường quốc tế, các thương nhân Trung Quốc vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh. Các chuyên gia cho rằng thương mại điện tử vẫn còn khoảng trống để xoay xở trước các rào cản chính sách.

Một thương nhân ở Quảng Đông đã tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua Temu trong hai năm cho biết, các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày của ông chủ yếu được chuyển đến châu Âu và Mỹ. Mặc dù châu Âu và Mỹ đã liên tiếp thông báo đặt ra những hạn chế, số lượng đơn đặt hàng của ông cho đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Theo vị thương nhân này, nếu châu Âu và Mỹ có lập trường "cứng rắn" đối với thương mại điện tử Trung Quốc, điều đó sẽ tác động tiêu cực không chỉ cho thương nhân Trung Quốc mà còn cả người tiêu dùng châu Âu và Mỹ. Điều này sẽ khiến chi phí mua sắm của họ tăng lên.

Vị thương nhân này không quan tâm nhiều đến việc Temu bị từ chối tại thị trường Indonesia vì cho rằng khả năng tiêu thụ của thị trường Indonesia vốn có hạn.

Giám đốc điều hành của Momentum Ventures cho rằng việc Temu bị từ chối ở Indonesia có thể sẽ thay đổi. Ông cho biết TikTok Shop cũng đã bị cấm ở Indonesia vào tháng 10/2023, nhưng đã khởi động lại hoạt động kinh doanh chỉ hai tháng sau đó bằng cách mua lại phần lớn cổ phần của trang thương mại điện tử địa phương Tokopedia. Điều này cho thấy vẫn còn cơ hội để Temu và các cơ quan quản lý Indonesia đàm phán với nhau.

Đối mặt với những rào cản ngày càng tăng trên thị trường quốc tế, Giám đốc Li Jianggan nhận định các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã có những dự báo và chuẩn bị các biện pháp ứng phó, bao gồm giảm tỷ trọng kinh doanh xuyên biên giới và chuyển sang vận chuyển hàng địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ẩn số trên thị trường, chẳng hạn như liệu chính sách của Mỹ có thay đổi hay không, đặc biệt là khi nước Mỹ được điều hành bởi một Tổng thống mới, sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục