Những vấn đề còn bỏ ngỏ ở Trung Đông
Chuyến công du từ ngày 13-16/7 của ông Biden đặt ra nhiều mục tiêu kỳ vọng trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trên các thị trường năng lượng và hàng hóa thế giới, khiến lạm phát ở Mỹ tăng vọt.
Trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, ông Biden muốn thuyết phục các nước trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia, tăng sản lượng dầu khí, qua đó giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Mỹ. Trong khi đó, các vòng đàm phán giữa phương Tây và Iran nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 tiếp tục rơi vào bế tắc, Mỹ muốn tạo thêm mặt trận để gây thêm áp lực với Iran, đồng thời xoa dịu mối lo ngại của các nước Trung Đông, đặc biệt là Israel.
Chuyến đi của ông Biden còn nhằm giúp thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab Vùng Vịnh, với trọng tâm là quan hệ song phương giữa Saudi Arabia và Israel, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Với riêng Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ còn có nhu cầu hòa giải mối quan hệ cá nhân với Thái tử Mohammed bin Salman, mà ông Biden từng cáo buộc liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Ngoài ra, thông qua chuyến đi này, ông Biden cũng muốn thể hiện những gì đã hứa khi tranh cử liên quan tới cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên giữa Israel và Palestine.
Israel là chặng dừng chân đầu tiên và lâu nhất của ông Biden. Tại đây, Mỹ và Israel đã ra tuyên bố chung thành lập cơ chế Đối thoại chiến lược về công nghệ cao song phương, tập trung vào các công nghệ chiến lược như thông minh nhân tạo, khoa học lượng tử và các giải pháp cho những thách thức toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, “Tuyên bố chung Jerusalem Đối tác chiến lược Mỹ-Israel” khẳng định “mối quan hệ không thể phá vỡ giữa hai quốc gia và cam kết bền bỉ của Mỹ đối với an ninh của Israel”. Liên quan đến vấn đề Iran, tuyên bố nêu rõ Mỹ cam kết sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, khẳng định sẵn sàng “sử dụng mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia” để đảm bảo việc này. Về vấn đề thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước Arab, hai bên khẳng định tầm quan trọng của các hiệp định Abraham và kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Negev trong thúc đẩy cơ chế hợp tác mới trong khu vực và mong muốn mở rộng cơ chế hợp tác này.
Giới phân tích cho rằng ngoài mục đích tái khẳng định cam kết và trấn an đồng minh, chuyến đi của Tổng thống Mỹ không tạo ra nhiều thay đổi đối với Israel, ngoại trừ việc Saudi Arabia đồng ý mở cửa không phận cho các chuyến bay thương mại của Israel.
Thăm dò dư luận cho thấy công chúng Israel không hy vọng nhiều vào chuyến thăm của ông Biden sẽ giúp giải quyết các vấn đề lớn mà Israel đang phải đối mặt, bao gồm cuộc xung đột với người Palestine và vấn đề đàm phán hạt nhân Iran. Những tuyên bố trong vài tháng qua về việc Mỹ sẽ giúp sớm thành lập một liên minh phòng thủ an ninh mới trong khu vực - bao gồm Israel, Saudi Arabia và một số quốc gia Arab Vùng Vịnh - để chống lại nguy cơ tấn công tên lửa và máy bay không người lái từ Iran, được các nước đón nhận với thái độ không mặn mà.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Arab, các nước muốn Mỹ có một sự rõ ràng hơn trong các chính sách nhằm gây dựng ảnh hưởng trở lại ở khu vực quan trọng này. Kết quả là không có cuộc thảo luận chính thức nào về một cấu trúc an ninh mới cho khu vực như kỳ vọng ban đầu.
Trên thực tế, Israel không phải là phần quan trọng nhất của chuyến công du. Do mối quan hệ cá nhân giữa ông Biden với Thái tử Salman khá căng thẳng, nên nhà lãnh đạo Mỹ đã lựa chọn phương án tiếp cận gián tiếp. Trước tiên tới thăm Israel, sau đó gặp Chính quyền Palestine rồi mới kết thúc chuyến công du tại Saudi Arabia, nơi chủ đề chính được đề cập: thuyết phục các nước tăng sản lượng dầu thô.
Tại chặng dừng chân Saudi Arabia, Tổng thống Biden và Thái tử Salman đã có một cú chạm tay “thân thiện” và sau đó là 18 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng, y tế… được ký kết giữa hai nước. Tuy nhiên, liên quan đến đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng để hỗ trợ thị trường dầu mỏ thế giới, mục đích chính của chuyến công du, đã không có lời hứa hẹn chính thức nào được đưa ra. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Arab ngày 16/7, Saudi Arabia cho biết không đủ công suất để tăng sản lượng dầu thô lên hơn 13 triệu thùng/ngày, một sự từ chối khéo khi nước này vướng ràng buộc của không chỉ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà cả OPEC+.
Về vấn đề Palestine, tại cuộc gặp với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây, ông Biden “khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước”, đồng thời thừa nhận người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước độc lập, hiện hữu. Ông cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Palestine nâng cấp các dịch vụ y tế, đồng thời bổ sung 200 triệu USD cho cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine vốn bị Mỹ cắt trước đó. Tuy nhiên, những người ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine tỏ ra thất vọng khi ông Biden thừa nhận “mục tiêu về giải pháp cho một nhà nước Palestine độc lập vẫn còn xa vời” và chưa nhìn thấy thời điểm nào triển vọng để tái khởi động cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post trước khi khởi động chuyến thăm, ông Biden tuyên bố “Chuyến đi sẽ mở ra một chương mới và nhiều hứa hẹn hơn về sự tham gia của Mỹ ở Trung Đông”. Sau tuyên bố rút dần khỏi khu vực, Mỹ đang nhận thấy vai trò ngày càng gia tăng của các nước Trung Đông trong bối cảnh nhiều diễn biến địa chính trị mới xuất hiện trên thế giới.
Chuyến thăm của ông Biden đã giải quyết được nhiều vấn đề về ngoại giao cũng như mở ra triển vọng hợp tác về kinh tế, khoa học công nghệ cho các bên. Nhưng qua chuyến công du lần này, mục tiêu quan trọng cứu vãn thị trường dầu mỏ và hai vấn đề hóc búa của khu vực, bao gồm cuộc xung đột giữa Israel-Palestine và vấn đề hạt nhân Iran, vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Ai Cập với nguồn hỗ trợ tài chính từ vùng Vịnh
06:30' - 09/04/2022
Các quốc gia vùng Vịnh đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho Ai Cập bởi sự ổn định kinh tế, an ninh và chính trị tại "đất nước Kim tự tháp" luôn đồng nghĩa với sự ổn định của toàn khu vực.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Cảnh báo dư thừa công suất pin năng lượng Mặt Trời tại Trung Quốc
21:17' - 21/11/2024
Trung Quốc đang thắt chặt các tiêu chí đầu tư cho sản xuất pin năng lượng Mặt Trời nhằm hạn chế tình trạng dư thừa công suất đã gây khó khăn cho lĩnh vực này trong những tháng gần đây.
-
Kinh tế Thế giới
Chính phủ Mỹ đề nghị Google bán trình duyệt Chrome
17:09' - 21/11/2024
Ngày 20/11, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu một thẩm phán ra lệnh cho Google bán trình duyệt Chrome – một trong những trình duyệt Internet phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
-
Kinh tế Thế giới
Nga trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho EU
15:54' - 21/11/2024
Tháng 9/2024 ghi dấu lần đầu tiên kể từ năm 2022, Nga trở lại vị trí nhà cung cấp khí đốt chính cho Liên minh châu Âu (EU).
-
Kinh tế Thế giới
Philippines xây dựng trang trại điện Mặt Trời lớn nhất từ trước tới nay
15:35' - 21/11/2024
Bộ Năng lượng Philippines ngày 21/11 thông báo nước này bắt đầu xây dựng cơ sở lưu trữ năng lượng pin và Mặt Trời lớn nhất từ trước đến nay ở nước này.
-
Kinh tế Thế giới
COP29: Đàm phán tài chính khí hậu trước nhiều rào cản
14:40' - 21/11/2024
COP29 đang bước vào giai đoạn quyết định, với những cảnh báo về những thách thức lớn trong việc đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẽ tiếp tục kích thích kinh tế
09:14' - 21/11/2024
Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy nâng cấp thiết bị quy mô lớn và giao dịch hàng tiêu dùng, với các kế hoạch tăng cường giám sát các quỹ và những biện pháp kích thích chi tiêu tiêu dùng.
-
Kinh tế Thế giới
Khủng hoảng ngành thép ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á
08:35' - 21/11/2024
Chỉ trong vòng 4 tháng đã có tới 3 nhà máy sản xuất thép lớn tại Pohang công bố đóng cửa gồm Pohang 2 của Hyundai Steel, Pohang Steel 1 và Pohang 1 của POSCO đóng cửa hồi tháng 7.
-
Kinh tế Thế giới
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
20:52' - 20/11/2024
Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức và Australia nằm trong số các nền kinh tế phát triển ký cam kết tự nguyện này.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản rót 65 tỷ USD vào lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo
20:26' - 20/11/2024
Gói đầu tư này được xem là sự chuẩn bị cho một thế giới đầy bất ổn, khi lo ngại về khả năng Trung Quốc tác động đến trung tâm sản xuất chip toàn cầu Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng gia tăng.