Ninh Bình tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng

22:12' - 04/07/2023
BNEWS Trong bối cảnh biến động khó lường của tình hình thế giới, khó khăn chung kinh tế trong nước, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Cục Thống kê Ninh Bình, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 7,56 % so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Ninh Bình đứng thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 12 so với cả nước.

Trong tổng 3 khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ tăng cao nhất 15,72%, đóng góp 5,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế.

Tiếp đà phục hồi của các tháng cuối năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nửa đầu năm 2023 diễn ra sôi động, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 4.532 nghìn lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần và đạt 74,7% kế hoạch năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt gần 31.397 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Gần đây nhất, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” từ ngày 27/5 đến 4/6, thu hút trên 172.000 lượt du khách, tăng hơn 2 lần so với sự kiện này tổ chức năm 2022. Đây là con số ấn tượng đối với du lịch Ninh Bình mùa thấp điểm. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 30.000 lượt người. Riêng lượng khách tham quan các khu du lịch Tam Cốc, Tràng An đạt trên 72.000 lượt khách.

Đây là hoạt động du lịch thường niên được tỉnh Ninh Bình tổ chức trong nhiều năm trở lại đây nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của Ninh Bình.

Về lĩnh vực nông nghiệp, trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển, ước tính năng suất lúa Đông Xuân bình quân toàn tỉnh đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha.

Về chăn nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 33,2 nghìn tấn, tăng 1,5 nghìn tấn; sản lượng thủy sản ước đạt 33 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 2,95% so với bình quân 6 tháng năm 2022. Trong đó có 9/11 nhóm chỉ số giá tăng và chỉ có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là giao thông và bưu chính viễn thông.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10 nghìn lao động, tổ chức đào tạo nghề cho trên 9 nghìn lao động; trong đó đào tạo dài hạn khoảng 2 nghìn người, đào tạo ngắn hạn là 7 nghìn người.

Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải đối mặt với nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm... Nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, kéo theo sản xuất giảm sút.

Hoạt động sản xuất sụt giảm khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh chỉ tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.530 triệu USD, giảm 3,3%; giá trị nhập khẩu đạt 1.392,8 triệu USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những thuận lợi, khó khăn và dự báo thời gian tới chưa hết những thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục