Nỗ lực bảo vệ đồng nội tệ của các ngân hàng châu Á đối mặt "cơn gió ngược"

21:55' - 29/10/2023
BNEWS Các đồng tiền châu Á đã chứng kiến sự sụt giảm đáng chú ý, nhưng các ngân hàng trung ương châu Á nhìn chung vẫn đang ở trạng thái đợi chờ kể từ đầu năm 2023.
Việc ngân hàng trung ương Indonesia (BoI) bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước đã cho thấy một bức tranh lớn hơn ở khu vực châu Á, khi các ngân hàng trung ương sẵn sàng để bảo vệ đồng nội tệ và đẩy lùi lạm phát. Điều đó cũng có nghĩa là viễn cảnh nới lỏng tiền tệ sẽ không sớm xảy ra ở nhiều quốc gia.

Giữa bối cảnh ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách tài chính và những người tham gia thị trường ở châu Á cho rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm kết thúc, động thái của Indonesia nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác trong khu vực làm theo.

Các quyết định về lãi suất đều khó khăn đối với các ngân hàng trung ương châu Á, do họ cũng đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” như bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông do cuộc xung đột Israel-Hamas.

 
Quyết định bất ngờ của ngân hàng trung ương Indonesia được đưa ra hôm 19/10. Tại cuộc họp chính sách tiền tệ, ngân hàng đã quyết định nâng lãi suất chính sách thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 6%. Ngân hàng giải thích rằng việc nâng lãi suất là một biện pháp thận trọng, nhằm giảm thiểu tác động của việc giá hàng nhập khẩu đang tăng cao.

Điều này trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của hầu hết những người tham gia thị trường khi họ cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên, hoặc thậm chí điều chỉnh giảm. Ngoài ra, lãi suất cũng tăng bất chấp tình hình lạm phát ở Indonesia, quốc gia xuất khẩu nhiều năng lượng, hiện ở mức vừa phải so với các quốc gia và khu vực khác.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của quốc gia Đông Nam Á đã giảm 2,28% trong tháng 9/2023, tiếp tục tiến gần đến ngưỡng thấp hơn trong phạm vi mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương là 2-4% cho năm 2023.

Mục đích chính của việc nâng lãi suất là để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng rupiah. Đồng nội tệ của Indonesia được giao dịch quanh ngưỡng 15.800 rupiah đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Sau cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 19/10, Ngân hàng trung ương Indonesia cũng cho biết, họ sẽ ổn định đồng rupiah thông qua sự can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Hãng nghiên cứu DBS Group Research cho hay động thái của Indonesia "gợi nhớ đến quan điểm diều hâu của họ hồi năm 2018" và hy vọng BoI sẽ "sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa" để giảm rủi ro từ việc Mỹ tăng lãi suất, cũng như tránh rơi vào kịch bản cán cân thanh toán bị hủy hoại.

Các đồng tiền châu Á đã chứng kiến sự sụt giảm đáng chú ý nhưng các ngân hàng trung ương châu Á nhìn chung vẫn đang ở trạng thái đợi chờ kể từ đầu năm 2023. Giờ đây, sau động thái của BoI, sự chú ý sẽ hướng đến việc các ngân hàng khu vực khác có thay đổi quan điểm để đưa ra những quyết sách giống Indonesia hay không?

Philippines được xem là quốc gia có nhiều khả năng đưa ra động thái tương tự với Indonesia hơn so với nhiều nước châu Á khác. Truyền thông địa phương Philippines dẫn lời một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nhờ lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay của ngân hàng trung ương, lạm phát ở nước này được kỳ vọng bắt đầu giảm vào quý I/2024.

Quan chức IMF được cho là đã đưa ra nhận xét này sau khi tổ chức "tham vấn Điều IV" với Philippines như một phần trong hoạt động giám sát của tổ chức quốc tế đối với điều kiện kinh tế của các nước thành viên.

Dù vậy, theo quan chức IMF, lạm phát ở Philippines sẽ không thể được kiểm soát dễ dàng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước đã tăng 6,1% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng chỉ 5,3% của tháng Tám. Trong khi đó, đồng peso của Philippines cũng yếu.

Đồng tiền này đang được giao dịch ở mức 57 peso đổi 1 USD, mức mà ngân hàng trung ương Philippines coi là “ngưỡng phòng thủ”. Điều kỳ lạ là đồng peso đã “kẹt” ở mức đó trong khoảng hai tháng. Chính phủ Philippines và những người tham gia thị trường đang lo lắng về sự suy yếu của đồng nội tệ cũng như lạm phát.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc hôm 19/5 đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc được coi là một tổ chức diều hâu. Ngân hàng ngày càng trở nên cảnh giác trước khả năng lạm phát tăng cao do giá năng lượng tăng trong bối cảnh rủi ro địa chính trị trỗi dậy, bao gồm cả cuộc chiến Israel-Hamas.

Nợ hộ gia đình ngày càng tăng cũng là một “quả bom hẹn giờ”. Việc thắt chặt tiền tệ là rất quan trọng để làm “hạ nhiệt” việc vay mượn. Các phương tiện truyền thông cho biết, 5 trong số 6 thành viên hội đồng quản trị chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ủng hộ việc tiếp tục lập trường thắt chặt hiện tại.

Về nợ hộ gia đình, Thái Lan cũng ở trong tình trạng tương tự và nước này đang tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các ngân hàng trung ương châu Á có tiếp tục thắt chặt tiền tệ một cách nghiêm túc hay không.

Tổ chức J.P. Morgan chỉ ra rằng việc tăng lãi suất bất ngờ của ngân hàng trung ương Indonesia là sự bổ sung cho các biện pháp thắt chặt "ngầm" đã được các ngân hàng trung ương châu Á lần lượt thực hiện gần đây và có lẽ không đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt.

Đồng quan điểm này, cơ quan nghiên cứu Capital Economics cũng lưu ý rằng “các nhà hoạch định chính sách của Indonesia sẽ cảnh giác với việc thắt chặt chính sách quá mạnh tay”, với lạm phát hiện vẫn ở mức thấp trong khi tăng trưởng lại khó khăn.

Hiện có rất nhiều trở ngại đối với việc thắt chặt hơn nữa. Tuy nhiên, có một điều có vẻ rõ ràng, đó là nới lỏng tiền tệ là một chặng đường dài. Và lạm phát dai dẳng ở Mỹ cùng rủi ro địa chính trị đang gây ra căng thẳng giữa các ngân hàng trung ương châu Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục