Nông dân trồng lúa lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay

12:17' - 26/11/2023
BNEWS Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng đi ngang trong khi giá gạo thế giới đã liên tục được điều chỉnh tăng.
Đà tăng giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đã chững lại và tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng đi ngang trong khi giá gạo thế giới đã liên tục được điều chỉnh tăng.

 
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: Đài thơm 8 từ 9.200 – 9.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 9.200 – 9.300 đồng/kg; IR 50404 từ 8.700 – 8.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 9.100 – 9.200 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 9.000 – 9.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang khô và nếp Long An khô đều dao động ở mức từ 9.400 – 9.800 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.500 – 16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Vụ Thu Đông năm 2023, nông dân Tiền Giang đã xuống giống được gần 13.000 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công, phía Đông tỉnh. Nông dân địa phương đang thu hoạch với năng suất bình quân 6 tấn/ha.  Hiện thương lái đang thu mua lúa tươi của nông dân với giá từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, địa phương gieo sạ 44.760 ha; trong đó có 14.381 ha được chọn tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân trong vùng tham gia Đề án nói riêng, sản xuất vụ Đông Xuân nói chung quan tâm sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451,… Đặc biệt là ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất – tiêu thụ, bao tiêu.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 650 - 655 USD/tấn trong ngày 23/11, không đổi so với một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc bán hàng chậm lại do nguồn cung đang cạn dần. Các nhà xuất khẩu gạo ngần ngại ký hợp đồng mới vì họ không chắc liệu có thể gom đủ gạo từ nông dân hay không.

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ tiếp tục tăng trong tuần qua. Cụ thể, loại gạo này được báo giá ở mức từ 500 - 507 USD/tấn, tăng so với mức từ 493 - 503 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo đi lên ngay cả khi nguồn cung từ vụ mùa mới tiếp tục tăng.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết do giá gạo của các nước xuất khẩu gạo khác tăng, người mua đang quay trở lại Ấn Độ. Họ nhận thấy mua gạo của Ấn Độ tiết kiệm chi phí hơn so với nguồn cung từ các nước khác. Tháng trước, Ấn Độ đã gia hạn mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu cho đến tháng 3/2024.

Các thương nhân cho biết, giá gạo trong nước tại nước láng giềng Bangladesh vẫn ở mức cao, mặc dù năng suất và dự trữ tốt. Chính phủ nước này đã bán gạo với giá trợ cấp để giúp đỡ người nghèo.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng lên 600 USD/tấn so với mức từ 570 - 575 USD/tấn trong tuần trước. Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá tiếp tục tăng do nhu cầu cao hơn đối với loại gạo Thái Lan.

Một thương nhân khác cho biết Indonesia, Philippines và Malaysia vẫn có nhu cầu mua gạo Thái Lan và nguồn cung vẫn có đủ.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên ngày 24/11, giá các mặt hàng nông sản đều giảm trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), dẫn đầu là đậu tương.

Khép phiên này, giá đậu tương giao tháng 1/2024 giảm 25,75 xu (1,9%) xuống 13,3075 USD/bushel. Giá ngô giao tháng 3/2024 giảm 5,25 xu (1,08%) xuống 4,825 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 7,25 xu (1,24%) xuống 5,7725 USD/bushel.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng lượng mưa ở Brazil trong tháng 12/2023 vẫn là yếu tố quyết định giá cả.

Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo đã bán 452.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc. Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 16/11 là 6,3 triệu bushel lúa mỳ, 56,4 triệu bushel ngô và 35,3 triệu bushel đậu nành.

Tính đến nay, Mỹ đã bán 443 triệu bushel lúa mỳ, giảm 9%; 887 triệu bushel ngô, tăng 27%; và 1,068 tỷ bushel đậu nành, giảm 20%.

Nông dân Argentina và Brazil không muốn bán hàng khi giá cả trên thị trường giảm. Brazil mới đây cũng đã phê duyệt yêu cầu nhập khẩu 20% dầu diesel sinh học và tăng tỷ lệ pha trộn trong nước từ 12% lên 14% trong năm 2024.

Tình hình thời tiết ở khu vực miền Bắc Brazil dự báo sẽ khô hạn hơn, lượng mưa ít trong tuần tới. Nắng nóng và khô hạn đã thúc đẩy cây đậu tương chín nhanh hơn. Trong khi đó, ở 1/3 khu vực phía nam Brazil, mưa sẽ xuất hiện đều đặn trong 10 ngày tới.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London giảm trở lại. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2024 giảm 24 USD xuống 2.491 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2024 giảm 13 USD xuống 2.426 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York không thay đổi, do thị trường đóng cửa nghỉ Lễ Tạ Ơn của Mỹ, không giao dịch.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam giảm từ 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 58.300 – 58.700 đồng/kg.

Giá cà phê kỳ hạn London giảm ngay từ đầu phiên sau báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh dự báo sản lượng của Việt Nam giảm hơn 12% do thời tiết bất lợi và diện tích trồng đã được xen canh khá nhiều, trong khi những diện tích tái canh các năm qua bắt đầu cho năng suất cao, trái với dự báo sản lượng giảm chỉ khoảng 10% từ các thương nhân trong nước và của Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa).

FAS cũng dự báo tổng sản lượng của Indonesia, nhà sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới, sẽ giảm 18,14% so với niên vụ cà phê 2022/2023 trước đó, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành khoảng 5 triệu bao cà phê hạt cho xuất khẩu, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.

Dữ liệu báo cáo của ICE – London ngày 23/11 cho thấy dự trữ cà phê Robusta đã tăng 1.360 tấn lên mức 40.510 tấn (khoảng 675.167 bao, loại bao 60 kg) đã góp phần thúc đẩy các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục