Nước Anh sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư mới?

05:39' - 27/11/2021
BNEWS Hàng nghìn người di cư đã liều mạng vượt qua eo biển Anh trước khi xảy ra sự cố làm 27 người thiệt mạng hôm 24/11. Vụ việc được cho là gây thiệt hại lớn nhất về người trong khủng hoảng di cư gần đây.

Theo Hiệp hội Báo chí (PA), trong năm nay, 25.700 người đã cố gắng đến Vương quốc Anh bằng đường biển, gấp hơn 3 lần con số của năm trước. Vậy điều gì đã khiến những người di cư cố gắng từ Pháp đến Anh, bất chấp việc Pháp và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác cũng là một nơi an toàn để xin tị nạn?

* Tại sao người di cư muốn đến Vương quốc Anh?

Các lý do rất đa dạng. Một số người di cư chạy trốn sự đàn áp chính trị hoặc tình dục. Những người khác thì cố gắng rời khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, hay Syria và Iraq. Một số người di cư phải rời bỏ nhà cửa vì lý do kinh tế với hy vọng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vẫn còn rất nhiều người tị nạn ở lại Pháp. Chỉ chưa đến 3% người tị nạn ở châu Âu di chuyển đến Vương quốc Anh, đa số người di cư xin tị nạn tại các quốc gia châu Âu. Theo tổ chức từ thiện Care 4 Calais, hàng năm, số người xin tị nạn ở Pháp nhiều gấp năm lần số tìm cách đến Vương quốc Anh.

Chủ yếu những người cố gắng vượt biển để vào Vương quốc Anh là những người có khả năng nói tiếng Anh tốt hơn là tiếng Pháp hoặc có thành viên gia đình đã ở Anh. Một số người khác thì có thể đến từ các quốc gia có quan hệ lịch sử với Vương quốc Anh hoặc những nơi quân đội Anh đã hoạt động, chẳng hạn như Afghanistan.

Hệ thống phúc lợi của Anh được cho là đã thu hút người di cư, nhưng khoản trợ cấp hàng tuần 39,63 bảng (52 USD) của Anh kém hào phóng hơn ở Pháp, nơi những người xin tị nạn nhận được 43,50 bảng mỗi tuần và có thể bắt đầu xin việc sau sáu tháng. Tuy nhiên, việc tìm việc làm không chính thức hoặc những công việc thị trường chợ đen ở Anh dễ dàng hơn ở Pháp và các nước EU khác.

* Động thái của Pháp

Vương quốc Anh gần đây đã đạt được hai thỏa thuận, trị giá 28 triệu bảng và 54 triệu bảng, với Pháp để chi trả cho việc tăng cường giám sát bờ biển. Pháp đã bác bỏ yêu cầu của Anh về việc cùng tuần tra eo biển Anh với Lực lượng Biên phòng và Hải quân Pháp.

Kể từ khi đạt được thỏa thuận trị giá 28 triệu bảng hồi tháng 11/2021, Pháp đã ngăn chặn được hơn 18.000 người định vượt qua eo biển Anh, nhưng vẫn rất nhiều người đã vượt qua eo biển này trong đêm mà không bị phát hiện.

Mặc dù từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021 hơn 10.000 vụ bắt giữ đã được thực hiện và 217 triệu euro (240 triệu USD) đã được chi để ngăn chặn các vụ vượt biển, nhưng theo số liệu của Thượng viện Pháp, nhìn chung các nhà chức trách đã không thành công trong việc ngăn chặn những người di cư vượt qua eo biển Anh.

* Liệu đây có phải là một cuộc khủng hoảng di cư?

Hầu hết các thuyền chở người di cư đến Vương quốc Anh rời từ bờ biển phía Bắc nước Pháp. Đây thường là đỉnh điểm của một hành trình dài và nguy hiểm nằm trong tay của những tên tội phạm buôn người.

Các con thuyền thường bị tổ chức từ thiện RNLI hoặc Lực lượng Biên phòng chặn lại trước khi cập bờ biển Vương quốc Anh. Khi đến Vương quốc Anh, 98% người di cư xin tị nạn, đây là quyền hợp pháp của họ. Các đơn xin tị nạn có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để xử lý. Trong năm 2020, có khoảng 29.450 đơn xin tị nạn đã được nộp tại Anh, so với mức cao kỷ lục là 84.132 đơn vào năm 2002.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, làm giảm các lựa chọn để vượt qua eo biển Anh của người di cư. Thời tiết mùa Thu cũng ít bão gió hơn bình thường, điều đó có nghĩa là các chuyến tàu vượt eo biển sẽ tiếp tục kéo dài sau mùa Hè.

Số người xin tị nạn tại Vương quốc Anh và số người vượt qua eo biển Anh thấp hơn so với các khu vực khác của châu Âu. Số đơn xin tị nạn ở Anh vẫn ổn định.

Trong năm nay, 105.135 người đã vượt qua Địa Trung Hải để đến châu Âu và con số này còn cao hơn nhiều cho đến khi EU đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp nhận người di cư.

Trong năm ngoái, hơn 416.600 đơn xin tị nạn mới đã được nộp tại các quốc gia thành viên EU, bao gồm 102.500 ở Đức, 81.800 ở Pháp, 37.900 ở Hy Lạp và 21.200 ở Italy, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).

* Brexit có tác động như thế nào?

Nếu Vương quốc Anh vẫn là một quốc gia thành viên của EU, các quy định của EU sẽ yêu cầu những người di cư phải trở về quốc gia an toàn đầu tiên trong khối mà họ đặt chân đến để xin tị nạn tại đó. Brexit có nghĩa là Vương quốc Anh không còn nằm trong các định định đó, điều này khiến việc đưa người di cư trở về nơi xuất phát càng khó khăn hơn.

Thay vì một thỏa thuận di cư chung của EU, Vương quốc Anh phải đạt được các thỏa thuận song phương với các nước như Pháp và hiện không có thỏa thuận nào về việc trao trả người di cư với Paris.

Mối quan hệ Anh-Pháp đã bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm của Liên minh an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và những tranh chấp về giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit. Và điều này có nguy cơ làm cho việc cùng nhau giải quyết vấn đề người di cư vượt qua eo biển Anh trở nên phức tạp hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục