Nước Mỹ và khối tài sản kếch xù của “1% tinh túy”

16:36' - 27/01/2020
BNEWS Hiện nay, số tài sản của nhóm “1% tinh túy” đang nắm giữ chiếm đến 50% tổng số vốn cổ phần của các công ty nhà nước và tư nhân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tỷ phú Warrent Buffett.  Ảnh: Reuters

Số liệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, nhờ vào đà phát triển kinh tế vượt bậc, cùng sự bùng nổ trên các thị trường chứng khoán, số 1% những người giàu nhất nước này hiện nắm giữ khối tài sản xấp xỉ với lượng tài sản của cả tầng lớp trung lưu và thượng lưu cộng lại.

Theo nhận định của Fed, trong thập kỷ qua, số 1% những hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ này được hưởng lợi từ những khoản lợi nhuận kếch xù kiếm được từ các thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, việc “những người giàu đang ngày một giàu có hơn” là kết quả của chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có thuế thừa kế, cùng những nỗ lực không ngừng của ông nhằm mang đến mức lãi suất thấp hơn cho nền kinh tế.

Hiện nay, số tài sản của nhóm “1% tinh túy” đang nắm giữ chiếm đến 50% tổng số vốn cổ phần của các công ty nhà nước và tư nhân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy trong quý II/2019, những người giàu nhất nước Mỹ sở hữu tổng cộng 35.400 tỷ USD giá trị tài sản, gần tương đương với con số 36.900 tỷ USD của nhóm những người trung lưu và thượng lưu ở nước này (đứng ở các vị trí giàu có thứ 50-90 của cả nước).

Cùng với những tín hiệu tích cực của các thị trường chứng khoán, môi trường lãi suất thấp cũng là nguyên nhân khiến nhóm người giàu có nhất nước Mỹ ngày một giàu hơn.

Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn cũng được tận dụng những lợi ích của việc chi phí vay thấp hơn, bên cạnh khả năng đầu tư vào các quỹ phòng hộ cấp cao nhất hoặc các quỹ đầu tư tư nhân, vốn đòi hỏi những khoản đầu tư tối thiểu là 5 triệu USD.

Stephen Colavito, chiến lược gia thị trường tại Lakeview Capital Partners, một công ty đầu tư có trụ sở tại Atlanta, nhận định: “Càng giàu có, thì càng có nhiều cơ hội để kiếm tiền”.

Các chuyên gia cho rằng việc giá trị tài sản của nhóm “1% tinh túy” vượt khối tài sản của những người trung lưu và thượng lưu của cả nước sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Những thông tin nói trên cũng làm dấy lên một làn sóng quan ngại về việc nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng.

Những số liệu của Fed được đưa ra sau khi hai nhà kinh tế của trường Đại học California tại Berkeley là Gabriel Zucman và Emmanuel Saez tiết lộ một sự thật gây sốc về việc các tỷ phú giàu có nhất nước Mỹ hiện đang trả mức thuế thậm chí còn thấp hơn so với những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động.

Trong cuốn sách mang tên “Sự bất công”, hai nhà kinh tế cho rằng cuộc cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng là cuộc cải cách lần đầu tiên trong 100 năm qua, đã khiến những công nhân tại các xưởng thép, giáo viên hay cán bộ đã về hưu phải trả mức thuế cao hơn so với các tỷ phú.

Các chuyên gia cho rằng khi vòng xoáy bất bình đẳng tiếp diễn, những người giàu có nhất thậm chí sẽ có thể sử dụng nhiều nguồn lực hơn để gây ảnh hưởng cũng như làm thay đổi hệ thống nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của chính mình.

Đầu năm 2019, một phân tích của tờ The Washington Post đã chỉ ra rằng khối tài sản của 400 người giàu nhất nước Mỹ - tương đương chỉ 0,00025% dân số - cao hơn những gì mà 150 triệu người trưởng thành (tương đương 60% dân số nước này) hiện đang nắm giữ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục