Nước Mỹ với cuộc khủng hoảng thiếu sữa công thức cho trẻ em

09:12' - 01/06/2022
BNEWS Những tuần qua, nước Mỹ đang rơi vào tình cảnh thiếu sữa bột (sữa công thức) do nhu cầu tăng cao.

Dù chính quyền Mỹ đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để bù đắp nguồn sữa đang thiếu hụt song tình trạng khan hiếm sữa trẻ em tại Mỹ được dự báo sẽ còn kéo dài đến tận cuối năm nay.

* Khủng hoảng thiếu nguồn sữa công thức

Nhiều tháng qua, hình ảnh thường thấy tại Mỹ trong siêu thị là các kệ hàng trống trơn các loại sữa công thức dành cho trẻ em, kể cả là bán trực tiếp hay mua online.

Số liệu của Datasembly cho thấy, nếu tỷ lệ thiếu hàng dự trữ sữa bột của toàn nước Mỹ trong nửa đầu năm 2021 chỉ đạt khoảng 2-8%, thì đến tháng 4/2022, con số này đã tăng vọt lên mức 40% tại hơn 11.000 cửa hàng.

 

Tại 6 bang Iowa, Nam Dakota, Bắc Dakota, Missouri, Texas và Tennessee, hơn một nửa số sữa bột dành cho trẻ em đã bị bán hết sạch trong tuần cuối của tháng 4.

Còn trên cấp độ liên bang, hiện có hơn 26 bang của Mỹ đang gặp khó vì không đủ sữa bột đáp ứng nhu cầu.

Các chuỗi bán lẻ lớn như Walgreens hay CVS Health đã phải giới hạn số lượng sản phẩm mà khách hàng có thể mua để duy trì nguồn cung, trong bối cảnh người dân đổ xô mua tích trữ sữa.

Bên cạnh tình trạng khan hiếm, giá sữa công thức cho trẻ em cũng tăng chóng mặt. Theo đó, giá mặt hàng này đã tăng tới 18% trong năm 2021.

Theo các chuyên gia, tình trạng khan hiếm sữa công thức tại Mỹ đã xuất hiện kể từ cuối năm 2021.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nhân công do đại dịch COVID-19, cũng như lạm phát quá cao đang khiến ngành sản xuất tiêu dùng tại Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ vậy, trong thời gian người dân sử dụng sữa tích trữ trước đó vì lo ngại các hạn chế do đại dịch, nhiều nhà sản xuất đã cắt giảm sản xuất sữa.

Song hiện tại, khi đại dịch đã bớt căng thẳng, nhiều em bé ra đời hơn và nhu cầu tăng trở lại, các cơ sở không thể sản xuất kịp nhu cầu đơn hàng mới.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng do đợt thu hồi sữa do nhiễm khuẩn của các nhà máy Abbott, Similac và những nhãn hiệu khác từ hồi tháng 2/2022 càng làm khan hiếm nguồn cung, dẫn tới cuộc khủng hoảng sữa hiện nay ở Mỹ.

Việc thu hồi diễn ra sau khi 4 trẻ sơ sinh phải nhập viện, trong đó 2 trẻ đã tử vong, sau khi dùng sản phẩm của nhà sản xuất sữa Abbott. Ngoài ra, các chính sách thương mại cũng khiến tình trạng khan hiếm sữa tại Mỹ kéo dài.

Theo The Wall Street Journal, quy định về sữa công thức của Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) rất nghiêm ngặt, khiến cho các sản phẩm nước ngoài đôi khi không thể xuất sang Mỹ vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn của FDA.

Mặc dù sau đó FDA đã đạt được thỏa thuận với Abott nhằm nối lại sản xuất, song sẽ phải mất nhiều tuần sản phẩm này mới có thể xuất hiện lại trên kệ hàng.

Tính tới đầu tháng 5 này, nguồn cung sữa trên cả nước Mỹ vẫn thấp hơn 43% so với bình thường. Nguồn cung thiếu hụt buộc các nhà bán lẻ lớn như Walgreens, CVS và Target phải hạn chế số lượng sữa bột mà khách có thể mua mỗi lần.

Tình trạng khan hiếm sữa công thức đã đẩy giá sản phẩm này lên cao, khiến mạng xã hội thời gian qua xuất hiện nhiều bài đăng kêu gọi phụ huynh tự làm sữa công thức tại nhà.

Tuy nhiên, Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Mỹ (AAP) cảnh báo không nên sử dụng sữa công thức tự làm do sản phẩm này có thể thiếu các vitamin và dưỡng chất quan trọng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

Sữa bột cho trẻ sơ sinh vốn được sản xuất theo công thức và tỷ lệ chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm các chất dinh dưỡng mà trẻ em cần cũng như có thể hấp thụ được.

Trong khi đó, các loại sữa tự chế tại nhà không bảo đảm liều lượng các thành phần quan trọng, đặc biệt là protein và khoáng chất.

Quá trình tự chế sữa tại nhà cũng có thể không bảo đảm vệ sinh, khiến nhiều loại vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể trẻ. Việc này rất nguy hiểm với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bởi đây là độ tuổi mà hệ miễn dịch chưa phát triển.

* Giải pháp từ chính quyền

Các chuyên gia nhận định, đây là đợt thiếu sữa công thức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Mỹ và nhiều giải pháp đã được đưa ra, kể cả các giải pháp khẩn cấp.

Nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm sữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với Tổng Giám đốc điều hành của các nhà sản xuất sữa bột và nhà bán lẻ, yêu cầu họ phải làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình hình.

Hạ viện Mỹ ngày 18/5 đã thông qua hai dự luật nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa công thức.

Dự luật cho phép cấp quỹ khẩn cấp trị giá 28 tỷ USD cho Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để đẩy nhanh việc kiểm định sữa công thức sản xuất tại nước ngoài và đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hụt loại sản phẩm này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng viện dẫn Đạo luật Sản xuất quốc phòng để ưu tiên các công ty sản xuất sữa công thức trong việc đảm bảo nguồn cung. Việc yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên và sản xuất nguyên liệu quan trọng của sữa công thức sẽ giúp tăng sản lượng và đẩy nhanh chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden còn khởi động một chương trình mang tên “Operation Fly Formula” sử dụng máy bay quân sự của Mỹ để vận chuyển sữa bột nhập khẩu từ nước ngoài.

Một hình thức "không vận sữa bột" giống như cách vận chuyển các vật liệu trong những tháng đầu khi dịch COVID-19 mới bùng phát, để đưa các sản phẩm từ những cơ sở sản xuất ở nước ngoài đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn của FDA về nước.

Theo đó, ngày 22/5 một máy bay quân sự chở theo hơn 31.751 kg sữa bột công thức đã rời căn cứ quân sự của Mỹ tại Ramstein, Đức để đến sân bay ở thành phố Indianapolis, Indiana (Mỹ), nơi đặt trụ sở của hãng sữa Nestle.

Đây là đợt vận chuyển nhằm hỗ trợ Mỹ giải quyết tình trạng khan hiếm sữa công thức chưa từng thấy. Cố vấn kinh tế của tổng thống Joe Biden, ông Brian Deese, cho biết đợt vận chuyển sữa đầu tiên đáp ứng khoảng 15% nhu cầu sữa khẩn cấp.

Ông cho biết thêm trong tuần tới, sẽ có thêm các chuyến chở sữa công thức như một phần trong nỗ chương trình "Operation Fly Formula".

Nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt sữa, Cơ quan quản lý an toàn vận tải cơ giới Liên bang Mỹ (FMCSA) còn ban hành thông báo khẩn cấp quốc gia, theo đó loại bỏ các yêu cầu về giờ làm việc đối với các tài xế xe thương mại vận chuyển thành phần và bao bì sữa bột trẻ em.

Riêng chính quyền thành phố New York - thành phố đông dân nhất của Mỹ, ngày 22/5 cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do thiếu sữa công thức cho trẻ.

Theo đó, chính quyền thành phố New York đã trao quyền cho Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và người lao động New York ngăn chặn tình trạng "thổi" giá đối với sữa công thức dành cho trẻ em.

Thị trưởng New York Eric Adams cho biết sắc lệnh khẩn cấp sẽ giúp chính quyền ngăn chặn các nhà bán lẻ tìm cách trục lợi bằng việc tăng giá sữa công thức do khủng hoảng nguồn cung.

Người đứng đầu thành phố New York nhấn mạnh chính quyền phải hành động khẩn cấp vì “tình trạng thiếu sữa công thức trên toàn quốc đã gây ra nỗi lo lắng và thiệt hại không nhỏ cho các gia đình trên khắp New York".

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và người lao động New York cũng vừa đưa ra cảnh báo nhắc nhở các bậc cha mẹ cảnh giác trước những trò gian lận trực tuyến và những nhà cung cấp lợi dụng tình hình hiện nay để trục lợi.

Bất kỳ ai mua phải sữa công thức bị đội giá có thể gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng.

Dù đã nỗ lực đưa ra các giải pháp đối với cuộc khủng hoảng sữa bột hiện nay, song đã xuất hiện những chỉ trích nhắm vào Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cho rằng cơ quan này đã xử lý vấn đề quá chậm.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng thiếu hụt sữa công thức không chỉ gây khó khăn cho các gia đình có trẻ nhỏ, mà còn đang trở thành sức ép chính trị lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục