OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Israel năm 2024

08:05' - 30/11/2023
BNEWS Ngày 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Israel trong năm 2024 do tác động của cuộc xung đột Hamas-Israel.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, OECD dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel sẽ tăng 2,3% trong năm nay, sau đó giảm mạnh xuống 1,5% vào năm 2024 trước khi phục hồi ở mức 4,5% vào năm 2025.

 

Thâm hụt tài khóa năm nay dự báo ở mức 3,1% GDP và sẽ tăng lên 5,2% GDP vào năm 2024. Nợ chính phủ cũng sẽ tăng lên 65% GDP vào năm 2025.

Báo cáo của OECD nêu rõ thời gian, phạm vi và cường độ của cuộc xung đột là rất khó dự đoán, do đó tác động kinh tế cũng vậy. Báo cáo giả định xung đột sẽ không leo thang ra khu vực, với tác động kinh tế chính chỉ giới hạn trong quý cuối cùng của năm 2023 và ở mức độ thấp hơn vào quý đầu tiên của năm 2024.

Trước đó, Ngân hàng trung ương Israel đã dự báo GDP của nước này tăng 2% trong cả năm 2023 và 2024. Thâm hụt tài khóa là 3,7% GDP trong năm nay và 5% GDP trong năm tới, trong khi tỷ lệ nợ trên GDP ở mức 66% trong năm 2024.

Báo cáo của OECD cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023, tuy nhiên đánh giá tình hình khả quan hơn trong năm 2024.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cụ thể, OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc xuống 1,4% từ mức 1,5% trong dự báo đưa ra hồi tháng 9, đồng thời dự báo lạm phát của Hàn Quốc trong năm nay tăng lên 3,6% từ mức 3,4%. OECD đánh giá lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu và đầu tư tư nhân của Hàn Quốc trong ngắn hạn.

Bức tranh kinh tế của Hàn Quốc năm 2024 sáng sủa hơn khi OECD đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 lên 2,3% từ 2,1%. OECD cũng đã điều chỉnh nâng dự báo lạm phát của Hàn Quốc trong năm sau lên 2,7% từ 2,6% do chi phí năng lượng và giá thực phẩm cao.

Tuy nhiên, OECD cho rằng tốc độ tăng trưởng giá tiêu dùng đang giảm bớt nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ và kỳ vọng giá năng lượng toàn cầu giảm, đồng thời mức tăng lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống mức mục tiêu 2% của Hàn Quốc vào năm 2025.

OECD cho rằng để đảm bảo sức khỏe tài chính, Hàn Quốc nên tính đến các chi phí liên quan đến một xã hội đang già đi nhanh chóng, chẳng hạn như lương hưu và y tế. OECD cũng đề xuất Hàn Quốc thu hẹp khoảng cách năng suất giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ thông qua cải cách quy định và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục