Ổn định - trọng tâm sách lược “giải cứu” thị trường của Trung Quốc

05:30' - 03/04/2020
BNEWS Thời gian gần đây, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, bảo đảm tính lưu động của thị trường, các nước lần lượt đưa ra biện pháp “giải cứu” thị trường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Minh báo có quan điểm trung lập của Hong Kong (Trung Quốc), tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu đưa ra sáng kiến về biện pháp ổn định thị trường của Trung Quốc trong dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. T

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) ngày 23/3 tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty. 

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 26/3 ra tuyên bố nêu rõ, bắt đầu từ tháng 4/2020 cung cấp hỗ trợ tiền mặt mang tính lưu động không giới hạn trần đối với các cơ cấu tài chính trong nước trong vòng ba tháng. Trong khi đó, Trung Quốc tương đối thận trọng trên phương diện chính sách tài chính và tiền tệ.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp về chính sách kinh tế quốc tế vĩ mô, bảo vệ tính ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.  

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ ổn định, kiên định mở rộng cải cách mở cửa, nới lỏng tiêu chuẩn cho phép tiếp cận thị trường nước này, tiếp tục tối ưu hóa môi trường kinh doanh, mở rộng nhập khẩu và đầu tư đối ngoại, có những đóng góp cho duy trì ổn định kinh tế toàn cầu.

So sánh với cách trình bày của Trung Quốc trước đây, hiện nay phía Trung Quốc vẫn chưa có sự điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế. Giới phân tích quốc tế cho rằng, cùng với tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc cơ bản được ngăn chặn, Trung Quốc đang khôi phục hoạt động kinh tế bình thường, thị trường tài chính tương đối ổn định, vì thế Trung Quốc không cuốn theo trào lưu “bơm tiền” không giới hạn để cứu thị trường.  

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đối với thực thể kinh tế là rất rõ ràng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã sớm đưa ra biện pháp nới lỏng ưu đãi tài chính, đồng thời định hướng hạ lãi suất của các ngân hàng cổ phần. 

Dự kiến, Trung Quốc sẽ còn hạ thấp lãi suất ở mức phù hợp vào thời điểm thích hợp, hạ thấp tiêu chuẩn cho vay nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng, tiếp tục tạo không gian chính sách để tiến hành điều chỉnh kết cấu kinh tế.

Trên phương diện kinh tế đối ngoại, Trung Quốc coi duy trì ổn định là nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với mục tiêu ổn định chuỗi cung ứng, đối với nguyên liệu dược phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và vật tư phòng dịch mà thị trường thế giới đang có nhu cầu cấp bách hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết tăng cường cung cấp. Trong khi đó, chính sách mở rộng cải cách mở cửa và mở rộng nhập khẩu không thay đổi.

Trên phương diện cùng đối phó đại dịch, ông Tập Cận Bình nêu rõ, sẵn sàng cùng các nước chia sẻ biện pháp hiệu quả trong ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, triển khai hợp tác nghiên cứu phát triển dược phẩm và vắc-xin, đồng thời cung cấp viện trợ theo khả năng đối với các nước mà có dịch bệnh lan rộng. 

Trên thực tế, sáng kiến này của Trung Quốc đã thực hiện ở khu vực Đông Á. Mới đây ngoại trưởng ba nước Trung - Nhật - Hàn đã tổ chức hội nghị trực tuyến đặc biệt về dịch COVID-19, trong đó bao gồm các vấn đề chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, thảo luận phương án hợp tác đối phó với đại dịch. 

Ngoại trưởng ba nước bày tỏ mong muốn sớm tổ chức hội nghị bộ trưởng y tế ba nước, tăng cường chia sẻ thông tin, triển khai hợp tác nghiên cứu phát triển dược phẩm và vắc-xin. Giới phân tích quốc tế cho rằng từ tháng 1 đến đầu tháng 2/2020, Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng viện trợ Trung Quốc, đến tháng cuối tháng 2 và tháng 3/2020, Trung Quốc tích cực vận chuyển vật tư liên quan cho Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Ba nước đã cho thấy những nỗ lực lớn trong việc bảo vệ hợp tác kinh tế thương mại và trao đổi con người cần thiết, bảo đảm ổn định chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng để đối phó với đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục