Ông James Gorman sẽ rời khỏi vị trí CEO Morgan Stanley trong vòng 12 tháng tới

15:15' - 20/05/2023
BNEWS Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào ngày 19/5, Giám đốc điều hành (CEO) Morgan Stanley, James Gorman, cho biết sẽ rời vị trí này trong vòng 12 tháng tới.
Ông Gorman nói thời điểm cụ thể cho việc chuyển giao hiện chưa rõ, nhưng sẽ là trong vòng 12 tháng tới nếu không có những thay đổi lớn về các điều kiện bên ngoài.

Ông Gorman, một trong những nhà quản lý lâu năm nhất của một ngân hàng tại Mỹ, trở thành CEO vào tháng 1/2010. Ban giám đốc của Morgan Stanley có ba ứng viên nội bộ có thể trở thành người thay thế ông Gorman. Ông Gorman tin rằng Morgan Stanley sẽ ít chịu tác động từ biến động trong lĩnh vực ngân hàng sau khi ba ngân hàng khu vực phá sản.
 

Ông khẳng định vẫn rất lạc quan về tương lai của Morgan Stanley và nền kinh tế, dù đã chứng kiến những thách thức, những giai đoạn khủng hoảng trong thời gian nắm giữ vai trò CEO của ngân hàng này. Ông Gorman kế nhiệm ông John Mack, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến Morgan Stanley thua lỗ hàng tỷ USD và các hoạt động chủ chốt bị ảnh hưởng lớn như ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Dưới sự lãnh đạo của ông Gorman, Morgan Stanley đã thâu tóm công ty môi giới trực tuyến E*Trade vào năm 2020 với giá 13 tỷ USD và mua công ty quản lý đầu tư Eaton Vance với giá 7 tỷ USD, thương vụ hoàn tất năm 2021.

Morgan Stanley vào năm 2013 đã mua số cổ phần còn lại của Citigroup trong liên doanh quản lý tài sản Smith Barney, đổi tên liên doanh thành Morgan Stanley Wealth Management.

Trước đó, ông James Gorman, nhận định sẽ không xảy ra khủng hoảng ngân hàng trên toàn cầu, dù việc ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ phá sản và ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ bị thâu tóm ngay sau đó, đã khiến lĩnh vực tài chính biến động.  Ông Gorman nói thêm rằng tình hình hiện tại rất khác so với năm 2008, khi Lehman Brothers phá sản và gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo ông, "các nền tảng của ngành ngân hàng vẫn rất mạnh" và không cần thiết phải thắt chặt các quy định đối với lĩnh vực ngân hàng.

Ông Gorman đã bày tỏ quan điểm về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cũng như nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về khả năng khủng hoảng ngân hàng sau khi Silicon Valley Bank phá sản, ông Gorman cho rằng một số ngân hàng rơi vào khủng hoảng và nguyên nhân là do việc quản lý yếu kém và rủi ro lãi suất. Hầu hết các ngân hàng tránh được vấn đề này, và hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và lành mạnh.

Điều đó khác với những gì diễn ra vào năm 2008, khi không phải một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Có một số ngân hàng đã quản lý thiếu hợp lý trong giai đoạn này. Điều này không phải là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo ông Gorman, tình hình hiện nay rất khác so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Đại suy thoái hay khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cuộc Đại suy thoái là do suy thoái kinh tế, trong khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là do thị trường cho vay dưới chuẩn. Ông cho rằng các ngân hàng lớn nhất được quản lý rất chặt và tất cả đều rất ổn định trong giai đoạn biến động vừa qua. Quyết định trong việc có tăng cường quản lý các ngân hàng nhỏ hay không là tùy thuộc vào chính phủ.

Theo ông, Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm nay khi đang nỗ lực để kiểm soát lạm phát. Cho đến khi đạt được mục tiêu, Fed có thể vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Hiện Morgan Stanley đang xem xét cắt giảm 7% lực lượng lao động mảng ngân hàng đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương, tương đương khoảng 40 người.

Việc cắt giảm nhân sự sẽ chủ yếu được thực hiện với mảng ngân hàng đầu tư và các thị trường vốn trong khu vực, trừ Nhật Bản. Morgan Stanley đang tiến hành cắt giảm lực lượng lao động trên toàn cầu do các điều kiện thị trường và để giảm bớt chi phí.  Ngân hàng này dự kiến cắt giảm khoảng 3.000 việc làm trên toàn cầu trong quý II/2023. Hoạt động thâu tóm doanh nghiệp chậm lại và tình hình kinh tế khó khăn đã khiến Morgan Stanley xem xét việc tuyển nhân sự.

Morgan Stanley có hơn 82.000 nhân viên vào cuối tháng 3/2023 và 3.000 việc làm dự định cắt giảm tương đương với gần 4% lực lượng lao động. Hoạt động thâu tóm doanh nghiệp chậm lại đáng kể. Hoạt động mua đứt doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào quý I/2023.

Theo số liệu của Refinitiv, giá trị các thỏa thuận liên quan đến các doanh nghiệp tại châu Á đạt 176 tỷ USD trong quý I/2023, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Hoạt động của các thị trường vốn tại khu vực này cũng chậm hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục