OPEC cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày

19:51' - 05/03/2020
BNEWS Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 5/3 đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 5/3 đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu, nhưng với điều kiện Nga tham gia vào nỗ lực này, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên thế giới ảnh hướng xấu đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Triển vọng nhu cầu dầu mỏ đã bị ảnh hưởng lớn do các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, khiến các nhà máy phải đóng cửa, người dân phải hạn chế đi lại cũng như làm chậm lại các hoạt động kinh doanh khác. Do đó, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2020 đã được điều chỉnh giảm. 

Saudi Arabia (A-rập Xê-út) đã đề nghị OPEC và các nước đồng minh, trong đó có Nga, nhóm được gọi là OPEC+, cắt giảm tới 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020, trong khi tiếp tục thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày hiện nay, sẽ kết thúc trong tháng này, cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, Saudi Arabia, nước sản xuất lớn nhất trong OPEC, và các nước khác vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Nga đối với một thỏa thuận như vậy. Cho tới nay, Nga vẫn muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hơn là cắt giảm mạnh hơn. 

Theo các nguồn tin từ OPEC, các nước thành viên kỳ vọng các nước nằm ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày trong tổng mức cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày.

Nếu OPEC+ quyết định cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày, điều này đồng nghĩa tổng sản lượng dầu cắt giảm của OPEC+ đạt 3,6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nguồn cung toàn cầu.

Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch COVID-19. Hồi đầu tháng Hai, OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn - vẫn đang vật lộn với những khó khăn y tế, trong khi dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng sang nhiều nước trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục