PBoC: Thanh toán bằng nội tệ giúp tăng khả năng phục hồi kinh tế châu Á

07:08' - 17/02/2022
BNEWS Đến nay, trao đổi tiền tệ song phương giữa các nước ASEAN+3 đã đạt khoảng 380 tỷ USD, do đó trở thành điểm dừng cho sự ổn định tài chính tiền tệ trong khu vực.

Ngày 16/2, phát biểu trong khuôn khổ một loạt các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương cho biết, việc thực hiện thanh toán bằng nội tệ (LCS) giúp tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế châu Á, giúp khu vực này có thể tránh được những tác động tiêu cực từ các chính sách của các nước phát triển trong thời kỳ phục hồi.

Theo ông Dịch Cương, các thị trường đang phát triển phải tăng khả năng phục hồi. Đây là nơi mà hợp tác tài chính khu vực đóng một vai trò quan trọng.

Cho đến nay đã có tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng đồng nội tệ cho thương mại và đầu tư trong khu vực để các nền kinh tế châu Á có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài.

Trao đổi tiền tệ giúp cải thiện mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu để nó trở thành một bổ sung hữu ích cho hệ thống tiền tệ quốc tế.

 

Đến nay, trao đổi tiền tệ song phương giữa các nước ASEAN+3 đã đạt khoảng 380 tỷ USD, do đó trở thành điểm dừng cho sự ổn định tài chính tiền tệ trong khu vực.

Ngoài ra, trao đổi tiền tệ giúp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương khi Trung Quốc đã ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ với nhiều nền kinh tế châu Á để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, hơn nữa tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Tháng 1/2022, PBoC và Ngân hàng Indonesia đã gia hạn thỏa thuận trao đổi tiền tệ và mở rộng quy mô từ 31 tỷ USD lên 39 tỷ USD.

Kể từ năm 2016, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Nhật Bản đã thiết lập Khung thanh toán tiền tệ địa phương song phương (LCSF) với một số nước mở rộng phạm vi của khuôn khổ từ thương mại sang đầu tư trực tiếp.

Châu Á cũng đã thông qua hướng dẫn chung của LCSF vào năm 2019 và thúc đẩy việc thực hiện, trong khi Trung Quốc và Indonesia vào tháng 9/2021 đã chính thức đồng ý với LCSF và khởi động thương mại trực tiếp trong khu vực.

Ông Dịch Cương cho rằng LCSF có những tác động tích cực như giảm rủi ro hối đoái và phí chuyển đổi tiền tệ, tăng hiệu quả sử dụng nội tệ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc báo giá trực tiếp giữa các giao dịch hoán đổi tiền tệ.

Do đó, PBoC đã và đang làm việc để tăng các biện pháp hỗ trợ và giảm các hạn chế xuyên biên giới đối với việc sử dụng nội tệ.

Một số nỗ lực này bao gồm thiết lập quan hệ hợp tác giữa China UnionPay với các ngân hàng Trung ương Indonesia và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác, cung cấp dịch vụ thanh toán chất lượng và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ giữa hai nước.

Trong tương lai, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Indonesia và các nền kinh tế châu Á khác để thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư khu vực./.

>>>Indonesia gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục