Petrolimex và PVOIL chủ động tạo nguồn đáp ứng nhu cầu xăng dầu dịp Tết Nguyên đán và quý I/2024

21:23' - 25/01/2024
BNEWS Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu được dự báo sẽ tăng cao, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn của Việt Nam đều đã chủ động kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023.

Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu được dự báo sẽ tăng cao trong quý I/2024 và nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn của Việt Nam đều đã chủ động kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngay cuối năm 2023, Petrolimex đã chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn năm 2024 trên cơ sở các nhận định về tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng như dự kiến về thực hiện tổng nguồn phân giao của Bộ Công Thương.

Theo đó, Petrolimex đã phối hợp chặt chẽ với hai nhà máy lọc dầu trong nước để xác định lượng hàng Petrolimex có thể mua được từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; phần còn lại Petrolimex đã chủ động liên hệ với các nhà cung cấp để đảm bảo nhập bù khối lượng xăng dầu để đảm bảo khả năng cung ứng cao nhất cho thị trường trong nước.

 

Cụ thể, ngay cuối tháng 12/2023, Petrolimex đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu dài hạn khoảng 70% so với dự kiến Petrolimex có thể bán ra. Phần còn lại, Petrolimex tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để có kế hoạch bổ sung liên quan đến các hợp đồng dài hạn, phần còn lại sẽ mua thông qua các hợp đồng ngắn hạn.

Đối với thông tin dự báo về khả năng nguồn cung trong quý I/2024 có thể bị ảnh hưởng, Petrolimex không chỉ đảm bảo hoàn toàn kế hoạch tổng nguồn được Bộ Công Thương phân giao mà còn xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống biến động khó lường của thị trường.

Theo đó, ngay trong tháng 1, Petrolimex đã nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ và tăng khoảng 10% so với tổng nguồn Bộ Công Thương phân giao bình quân một tháng cho Petrolimex. Liên quan đến Tết Nguyên đán sắp tới, trong 10 ngày đầu tháng 2 tới đây, Petrolimex sẽ thực hiện kế hoạch đưa hàng về kho trên 40% nhằm đáp ứng các nhu cầu được nhận định sẽ gia tăng cao.

Theo ông Năm, năm 20224, Bộ Công Thương phân giao cho Petrolimex kế hoạch tổng nguồn tăng 13% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn bộ nền kinh tế.

Với  trách nhiệm là doanh nghiệp nhà nước có thị phần lớn nhất trên thị trường, Petrolimex luôn bám sát chỉ tiêu phân giao của Bộ Công Thương cũng như quy định về ngày tồn kho tối thiểu đã được quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu” .

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng tập trung phân bổ nguồn hàng về các địa bàn, khu vực, vùng miền để đảm bảo cân đối trong các tình huống mà nhu cầu tại các địa bàn đó có thể phát sinh tăng thêm.

Tương tự như vậy, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)-đơn vị chiếm thị phần xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam và là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong quý I này, kế hoạch tạo nguồn của PVOIL là 1,2 triệu m3 xăng dầu; trong đó nhập khẩu 245 nghìn m3 xăng dầu các loại. Trong quý II tới, kế hoạch tạo nguồn của PVOIL là 1,3 triệu m3; trong đó sẽ nhập khẩu 335 nghìn m3 xăng dầu các loại.

Để chủ động đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, ngay từ cuối năm 2023, PVOIL đã lên kế hoạch đấu thầu nhập khẩu xăng dầu. Đến thời điểm này, PVOIL đã thực hiện xong đấu thầu nhập khẩu xăng dầu, đáp ứng nhu cầu trong nước quý I và quý II.

Cũng theo ông Dương, trong tháng 3 và tháng 4 tới đây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ thực hiện bảo dưỡng tổng thể trong khoảng 50 ngày. Tuy nhiên đây là kế hoạch đã được thông báo từ trước nên PVOIL cũng đã chủ động có kế hoạch nhập khẩu bù sản lượng xăng dầu thiếu hụt trong thời gian nhà máy Dung Quất ngừng sản xuất để bảo dưỡng. Vì vậy, lượng xăng dầu dự trữ của PVOIL đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, PVOIL hiện nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các đối tác Singapore và Hàn Quốc nên các gián đoạn vận tải trên Biển Đỏ không ảnh hưởng đến hoạt động đưa xăng dầu về Việt Nam của PVOIL.

Về phía Hiệp Hội Xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo cho biết, các hội viên đã triển khai kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các giải pháp tạo nguồn, đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động ổn định.

Thực tế những biến động địa chính trị thời gian vừa qua không tác động mạnh tới thị trường xăng dầu trong nước do Việt Nam đã chủ động được khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, chỉ nhập khẩu khoảng 30% còn lại.

Ảnh hưởng duy nhất là giá thành xăng dầu có thể biến động trong giai đoạn tới.  “Nguồn cung xăng dầu cho quý I/2024 và dịp Tết Nguyên đán cơ bản được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai dựa trên kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương.

Vì vậy, nguồn cung xăng dầu tại thời điểm này hoàn toàn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cũng như cho hoạt động sản xuất kinh doanh của quý I/2024”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.

Ngày 24/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 24/1/2024 về việc bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường; chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; phối hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu. Quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chủ động xây dựng phương án sản xuất, phân phối, điều tiết xăng dầu phù hợp, khoa học, hiệu quả; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp tại các địa phương nhằm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục